LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

18/03/2019

Sáng ngày 18/3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với các bộ ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia buổi làm việc có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH); đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các bộ ngành có liên quan cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015. Đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, năm 2019, Ủy ban sẽ chính thức tổ chức giám sát việc triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là nội dung quan trọng mà Ủy ban dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình mong muốn, qua buổi làm việc hôm nay, Ủy ban cũng như các bộ, ngành sẽ nhìn được bức tranh thực trạng về giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay. Từ đó, nhìn nhận được những chuyển biến cũng như những điểm nghẽn, vướng mắc mà giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Qua đó, có những tổng kết, đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này để có những điều chỉnh phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, ngay từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định của Luật. Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp. Tính đến ngày 01/3/2019, đã có 63 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN được ban hành (06 nghị định, 07 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 46 thông tư và 04 thông tư liên tịch).

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức hoạt động đào tạo (tuyển sinh đào tạo; tiêu chuẩn, chế độ đối với nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm định chất lượng...); để Bộ LĐTBXH, cơ quan quản lý các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước (hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp...). văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; hướng tới việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; tạo điều kiện để thu hút nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước đang vận hành đồng bộ các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và chưa thấy có vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách, cơ chế sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Công tác dự báo, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn chưa làm tốt. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề gặp nhiều khó khăn: đến nay chỉ có khoảng 8% -10% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu đã đề ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW là “đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề" cũng như các mục tiêu phân luồng đến năm 2020 trong Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 đề ra. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương mang tính hành chính, cơ học, chưa có nguyên tắc sáp nhập cụ thể. Đồng thời chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp. Ngoài ra, việc tổ chức giảng dạy kiến thức văn trung học phổ thông tách khỏi đào tạo nghê nghiệp có nhiều bất cập…

Đại diện bộ ngành có liên quan báo cáo tại buổi làm việc

Để tháo gỡ những khó khăn và điểm nghẽn trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định  về phân luồng, hướng nghiệp người học vào giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội; góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước; quy định về liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học theo chuẩn đầu ra từng trình độ đào tạo của Khung trình độ Quốc gia Việt Nam; quy định về học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy định nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và các trường sư phạm; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp.., vào trong dự thảo Luật.

Ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành địa phương căn cứ vào các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm 2018, tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH và tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Rà soát tình hình sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chỉ đạo điều chuyển thiết bị dạy nghề của cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư từ những năm trước không khai thác sử dụng có hiệu quả sang cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác có khả năng tiếp nhận và khai thác sử dụng hiệu quả cao hơn. Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới tiếp nhận và bàn giao sang sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chủ động chỉ đạo việc thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành có liên quan cũng tham gia báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực mà mình trực tiếp quản lý, phụ trách.

Thu Phương