Xác định thứ tự ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho các dự án, công trình quan trọng, cấp bách

09/09/2015

Đó là ý kiến đề xuất tại cuộc họp giữa Ủy ban Văn hóa, TN, TN và NĐ với đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 đối với các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông, tôn giáo, thanh niên và trẻ em.

Theo Báo của Bộ Tài chính cáo tại cuộc họp cho biết: tổng chi ngân sách nhà nước bố trí cho lĩnh vực văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình năm 2015 là 18.662 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 7.952 tỷ đồng; chi thường xuyên là 10.710 tỷ đồng. Về chi sự nghiệp văn hóa thông tin, ngân sách Trung ương bố trí 1.158 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên và đột xuất của các Bộ, cơ quan Trung ương. Trong đó, đối với các hoạt động văn hóa, bảo đảm kinh phí của các hoạt động như: quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động văn hoá về công tác dân tộc phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải thưởng văn học nghệ thuật thường niên, các đề án khuyến khích sáng tạo tác phẩm công trình văn học nghệ thuật, báo chí có chất lượng cao.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, kinh phí bố trí cho các cơ quan làm nhiệm vụ về thông tin và truyền thông, phát thanh, truyền hình đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai trên tất cả các lĩnh vực đã phát huy hiệu quả, trong đó phản ánh tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, QH, Chính phủ; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo; công tác thông tin, đối ngoại; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền như hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động ngoại giao…

Nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2015 nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã nghiêm túc tuân thủ theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ. Các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015 trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông, tôn giáo, thanh niên và trẻ em được tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng, có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong kỳ kế hoạch và chỉ khởi công mới những dự án thật sự cần thiết và đủ điều kiện. Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân các dự án đã đủ điều kiện và đang triển khai, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Về nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và tổng hợp dựa trên nhu cầu vốn của từng ngành, từng lĩnh vực. Theo đó, năm 2016, tổng nhu cầu vốn của ngành văn hóa của các đơn vị Trung ương khoảng 1.945 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kế hoạch năm 2015. Nhu cầu vốn đầu tư năm 2016 cho công trình văn hóa tại địa phương khoảng 2.300 tỷ đồng bằng 3,3 lần kế hoạch năm 2015. Theo Nghị quyết của QH và chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ không tách riêng các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa, thể thao, y tế, thông tin…mà lồng ghép chung vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững…

Trong khi đó, nhu cầu về vốn đối với ngành du lịch trong năm 2016 hơn 2.000 tỷ đồng tăng khoảng 2,53% lần so với kế hoạch năm 2015. Ngành thông tin truyền thông thì tổng nhu cầu vốn là 2.350 tỷ đồng gấp hơn 4 lần vốn bố trí kế hoạch năm 2015…Nhìn chung, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các ngành văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông đều tăng từ hơn 2 lần đến hơn 4 lần so với kế hoạch năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, cần quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác quy hoạch, bảo đảm nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em; xây dựng hệ thống các trường mầm non; phân bổ tài chính cho đoàn thanh niên các cấp trong các hoạt động thanh niên tình nguyện vì cộng đồng. Nhà nước cần có chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, cần xác định thứ tự ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho các dự án, công trình quan trọng, cấp bách. Tăng cường công tác giám sát để tránh tình trạng đầu tư lãng phí, kém hiệu quả.

Hà An