Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012- 2017, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo quy định của Luật Xuất bản, sách sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một loại xuất bản phẩm. Vì vậy, sách sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng thuộc sự điều chỉnh của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, như đối với các loại xuất bản phẩm khác. Cụ thể là Nghị định số 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản; Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản... Tính đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp đổi giấy phép thành lập cho 37 nhà xuất bản. Như vậy, ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một số nhà xuất bản khác có đủ điều kiện về nguồn nhân lực và mạng lưới cộng tác viên là các cán bộ giảng dạy, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giáo dục cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ xuất bản sách giáo khoa.
Phát hiện nhiều vụ in lậu sách giáo khoa
Theo Báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay, trên thị trường có 03 bộ sách giáo khoa được chính thức lưu hành, bao gồm Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, gồm các sách giáo khoa của 12 lớp, từ lớp 1 đến lớp 12 (sách giáo khoa 2000); Sách giáo khoa do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn, chỉ gồm sách tiếng Việt lớp 1 (sách giáo khoa công nghệ giáo dục); Bộ sách giáo khoa được biên soạn theo Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam do Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu tài trợ, gồm sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 7 (sách giáo khoa VNEN). Hiện cả 03 bộ sách giáo khoa này đều được xuất bản và phát hành thông qua Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đại biểu phản ánh, tình trạng in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm (trong đó có sách giáo khoa giáo dục phổ thông) trong những năm qua vẫn đang diễn ra phổ biến với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, tinh vi. Tiêu biểu trong năm 2013, Cục An ninh Thông tin truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hiện và bắt quả tang cơ sở in Trọng Nhân (Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đang đóng xén, in lậu khoảng 10.000 cuốn Tiếng Anh 3 - Tập một của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Năm 2015, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã phát hiện và bắt giữ hơn 50.000 cuốn sách in lậu ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại kho sách của Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội); Năm 2017, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hải Anh (Bạch Mai, Hà Nội) đang tổ chức in, gia công các loại bìa sách, ruột sách ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng không có Quyết định xuất bản của Nhà xuất bản. Chỉ trong 05 năm (từ 2012- 2017), Cục Xuất bản, In và Phát hành và Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương đã tiến hành thanh tra và xử lý vi phạm hành chính 04 tổ chức và 05 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này với tổng số tiền là 640.000.000 đồng.
Tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn
Trước tình trạng in lậu sách giáo khoa tràn lan, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn từ trung ương đến địa phương, tích cực tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra có liên quan đến hoạt động xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nguồn lực thanh tra, kiểm tra còn mỏng nên việc kiểm soát tình trạng in lậu tuy có kết quả bước đầu nhưng chưa được như mong muốn.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, sách giáo khoa luôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc học tập của các em học sinh. Tuy nhiên, chỉ vì chạy theo lợi nhuận bất chính, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tìm mọi cách in ấn trái phép, in lậu các loại sách giáo khoa. Điều này đã tạo thành nỗi lo lớn cho các bậc phụ huynh, học sinh và các nhà quản lý giáo dục.
Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm phát biểu ý kiến
Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, mục đích của việc in lậu sách giáo khoa cuối cùng là để kiếm lời, do vậy cần dùng biện pháp kinh tế để ngăn chặn. Các đầu sách bị in lậu thường tập trung vào các loại sách bán chạy, giá cao. Vì vậy cần xác định những loại sách có khả năng bị in lậu để có phương án thanh tra, xử lý hiệu quả. Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm cho biết, trước đây, sách giáo khoa Toán và Tiếng Việt là 02 đầu sách bị in lậu nhiều nhất. Còn hiện nay, sách ngoại ngữ và sách tham khảo là 02 loại sách bị sao chép, in giả nhiều nhất.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Cũng đề xuất giải pháp để ngăn chặn thực trạng in lậu phổ biến hiện nay, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, cần có cơ chế đồng bộ để cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm, trong đó có sách giáo khoa giáo dục, phổ thông. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quán triệt các cơ sở in trực thuộc chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định của pháp luật; các đơn vị chức năng của ngành công an (PC 64) ký kết quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở in trên địa bàn để tránh trùng chéo, lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền là từ sự quản lý thiếu chặt chẽ của các nhà xuất bản, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các Ban, Ngành chức năng để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế tài xử phạt để ngăn chặn kịp thời.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình đánh giá cao ý kiến của các Bộ cũng như các đại biểu tại buổi làm việc; cho rằng làm lành mạnh thị trường sách giáo khoa là một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình cho biết theo dự kiến, Ủy ban sẽ tiến hành giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012- 2017" trong 06 tháng đầu năm 2018 và Báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội vào tháng 09/2018.