Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến - đã báo cáo với đoàn công tác về kết quả 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo đó, đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo kịp thời, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đảm bảo tiến độ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Việc bố trí nguồn lực đảm bảo theo đúng hướng dẫn quy định của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Việc lồng ghép các nguồn vốn vào mục tiêu giảm nghèo được thực hiện hiệu quả. Tổng vốn huy động và phân bổ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững từ năm 2016 - 2018 là trên 10.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 10,24% (năm 2016 giảm 5,24%, năm 2017 giảm 5%), bình quân mỗi năm giảm 5,12% (giảm từ 32,21% đầu năm 2016 xuống còn 21,97% vào cuối năm 2017), đạt 146% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 3,4 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Trong năm 2018, kế hoạch giảm nghèo của tỉnh là 4%, riêng các huyện nghèo giảm 6,5%. Quý 4/2018, tỉnh Yên Bái rà soát hộ nghèo trong toàn tỉnh, dự kiến kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt trên 4%, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 17,97%.
Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, tính đến tháng 7/2016, tỉnh Yên Bái còn 2.138 hộ gia đình người có công đang khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ, trong đó nhà làm mới là 1.127 nhà, sửa chữa là 1.011 nhà. Năm 2018, tỉnh Yên Bái thực hiện hỗ trợ làm 1.225 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 41 tỷ đồng, trong đó xây mới 822 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 32 tỷ đồng, sửa chữa 433 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 8 tỷ đồng. Kết quả, tính đến ngày 30/6/2018, đã có 732 nhà đã hoàn thành, trong đó có 455 nhà xây mới, 277 nhà sửa chữa, 311 nhà đã hoàn thành được 50 - 70% khối lượng, 212 nhà đang chuẩn bị khởi công.
Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành tổ chức thực hiện. Đến nay, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng nhất là ở nhóm đối tượng cận nghèo. Tính đến 30/6/2018, tổng số đối tượng tham gia BHYT là 775.750 người, đạt tỷ lệ bao phủ 95,8%. Đối với việc triển khai BHYT bắt buộc theo hộ gia đình và mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tính đến thời điểm hiện tại nhóm hộ gia đình đạt 76.504/110.000 người, đạt tỷ lệ 70% tổng số cần vận động tham gia.
Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề nghị tỉnh Yên Bái đánh giá thêm về việc huy động các nguồn lực đối với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo; tác động của 5 dự án đối với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; vấn đề đào tạo nghề ở nông thôn; đánh giá về chính sách tác động hiệu quả nhất đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh miền núi; công tác thanh tra, xử lý vi phạm về thực hiện chương trình giảm nghèo; báo cáo về số lượng gia đình người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo; chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở so với nhu cầu của người dân; vấn đề kết nối giám định bảo hiểm y tế; đánh giá về hiệu quả của vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh; đánh giá về nhóm sử dụng quỹ BHYT nhiều nhất; hiệu quả khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế ngoài công lập...
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái đã giải trình, báo cáo cụ thể về các vấn đề, nội dung mà Đoàn Giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội yêu cầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy khẳng định công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình tại tỉnh Yên Bái được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, bài bản từ tỉnh đến cơ sở. Đồng chí đã tổng hợp các ý kiến giải trình tại buổi làm việc của đại diện các sở, ban, ngành và bổ sung thêm các nội dung như: Các chính sách liên quan đến giảm nghèo, một số chính sách ban hành nhưng không bố trí nguồn lực; việc huy động nguồn vốn chính sách xã hội... Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ thêm các kiến nghị đó là các cơ chế chính sách đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát đồng bộ, thống nhất và có nguồn lực để thực thi, phải tính đến đặc thù địa phương; bổ sung thêm nguồn lực cho địa phương; điều chỉnh kế hoạch mức đầu tư công trung hạn; phát triển hạ tầng các vùng đặc biệt khó khăn và kết nối liên vùng...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá cao kết quả mà tỉnh đạt được. Qua nghe báo cáo và đi giám sát thực tế đồng chí đã ghi nhận những kiến nghị để các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết. Phó chủ nhiệm đề nghị: Trong nhiều chính sách, tỉnh cần quan tâm chọn chính sách ưu tiên để thực hiện sớm; thực hiện chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền từng đối tượng, tạo ra cơ chế để người dân không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại; đưa ra các giải pháp tăng tính tích cực cho cộng đồng người nghèo, giải pháp tổng thể cho tỉnh; giải pháp phù hợp để tỷ lệ người sử dụng BHYT đạt mức cơ bản 100%, thu hút người tham gia BHYT phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; quan tâm các nguồn lực khác để đảm bảo nhà ở cho đối tượng người có công.
Trước đó, Đoàn Giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đến thăm một số mô hình giảm nghèo và kiểm tra việc thực hiện các chính sách trên tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên và xã Đông Cuông, huyện Văn Yên./.