Tiếp đón và làm việc với đoàn giám sát có: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang; lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo huyện Sơn Dương và Hàm Yên.
Quang cảnh buổi giám sát
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững đến năm 2020”; tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Đối với công tác giảm nghèo, trên cơ sở các cơ chế, chính sách và quy định của Nhà nước, trong những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 76/2014/QH về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Các giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ, quyết liệt và kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trung bình 4,25%/năm, giảm xuống còn 19,32% cuối năm 2017. Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, toàn tỉnh đã cho trên 34.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, với doanh số cho vay trên 1.250 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến tháng 6/2018 đạt trên 2.400 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; hỗ trợ sản xuất cây vụ đông; miễn thủy lợi phí; trợ giá giống; hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai cho các hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; chương trình ổn định dân cư… Từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho 101.765 lượt hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện 365 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới với trên 12.300 hộ tham gia, trong đó có trên 2.000 hộ nghèo…
Đối với chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh đến các đối tượng và gia đình. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công về nhà ở với số lượng 1.504 nhà, đến tháng 6/2018, đã hỗ trợ làm mới và sữa chữa được 1.167 nhà với kinh phí 34,48 tỷ đồng.
Tiếp theo chương trình làm việc, lãnh đạo Sở Y tế đã báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 tại tỉnh. Năm 2009, số người tham gia BHYT của tỉnh mới chỉ chiếm tỷ lệ 55,6% dân số, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 750.347 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 95,81% dân số trên địa bàn. UBND tỉnh đã trích ngân sách địa phương để hỗ trợ 10% mệnh giá thẻ đối tượng cận nghèo, huy động 20% mệnh giá thẻ từ Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng, nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá cao kết quả mà tỉnh đạt được, nhất là việc xây dựng các mô hình trình diễn về kinh tế ở các vùng khó khăn, đồng thời ban hành một số chính sách riêng đặc thù của tỉnh để người dân phát triển sản xuất. Qua nghe các báo cáo và đi giám sát thực tế đồng chí ghi nhận những kiến nghị của tỉnh để các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới tỉnh tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh thực hiện chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền từng đối tượng, tạo ra cơ chế để người dân không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Có giải pháp hiệu quả phòng ngừa tình trạng lạm dụng trục lợi bảo hiểm y tế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang khẳng định, tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến từ Đoàn giám sát; đồng thời tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ người có công về nhà ở đồng thời có giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Đoàn giám sát đã đến thăm một số mô hình giảm nghèo và kiểm tra việc thực hiện các chính sách tại huyện Sơn Dương, Hàm Yên./.