Trình bày tờ trình về Dự thảo Luật dược, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Dự thảo Luật dược (sửa đổi) có 14 chương, 98 điều, tăng 25 điều và 3 chương so với Luật dược hiện hành. Các chương được bổ sung gồm: Chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; Hành nghề dược; Dược lâm sàng và quản lý giá thuốc. Dự thảo bỏ chương Quản lý giá thuốc phải được kiểm soát đặc biệt và đưa các nội dung của chương này vào các phần tương ứng trong dự thảo.
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết, dự thảo Luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản về chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược, quản lý nhà nước về giá thuốc, kinh doanh dược, đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các nội dung liên quan đến bảo đảm chất lượng thuốc...
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản đồng tình với những nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nội dung về thời hạn hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề dược và trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý giá thuốc được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến.
Về thời hạn hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề dược, hiện đang còn 2 loại ý kiến khác nhau. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 của dự thảo: “Chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn hiệu lực tối đa 05 năm kể từ ngày cấp”. Một số đại biểu đề nghị, nên quy định chứng chỉ hành nghề dược được cấp một lần (có giá trị vĩnh viễn) để đơn giản thủ tục hành chính cũng như phù hợp với theo xu hướng hội nhập của thế giới. Tuy nhiên, luật phải quy định rõ điều kiện để được cấp chứng chỉ, cơ chế về thanh tra, kiểm tra và thu hồi nếu như vi phạm.
Về quản lý nhà nước về giá thuốc, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng, quản lý nhà nước phải đầy đủ và toàn diện từ việc quản lý con người đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, trong đó quản lý giá thuốc là hàng đầu. Do đó, dự thảo Luật cần quy định chi tiết về trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý giá thuốc cũng như các biện pháp quản lý giá thuốc.
Cũng liên quan đến các biện pháp quản lý giá thuốc, đa số các đại biểu cho rằng đấu thầu giá thuốc là biện pháp hàng đầu trong quản lý giá thuốc.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng việc dự thảo Luật quy định quản lý giá thuốc bằng cách thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá thuốc hoặc trường hợp mặt bằng giá thuốc biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế-xã hội là không khả thi.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, khái niệm “biến động bất thường” rất khó giải thích. Nếu quy định mơ hồ như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của điều luật khi áp dụng. Việc xác định thế nào là giá thị trường tăng quá cao hoặc giảm quá thấp chưa được quy định rõ tại Luật giá và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, do đó sẽ không đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc xác định các tình huống cần áp dụng biện pháp bình ổn.
Nhằm khuyến khích và phát triển sản xuất đối với thuốc dược liệu cổ truyền, tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến quy định của dự thảo Luật về nội dung này.
Các đại biểu đều nhận định, nước ta có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu làm thuốc. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm và truyền thống lâu đời sử dụng cây, con để làm thuốc phòng và chữa bệnh đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên cho phát triển sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền chưa được thể hiện rõ trong Luật dược 2005. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định này trong dự thảo luật mới để tạo điều kiện cho y học cổ truyền phát triển.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hoạt động dược là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, do đó các quy định trong dự thảo Luật phải đảm bảo Nhà nước quản lý một cách chặt chẽ từ sản xuất, nhập khẩu đến sử dụng thuốc. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật này để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10, tháng 10 năm 2015.
+ Luật dược được ban hành lần đầu năm 2005 đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về dược, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động dược. Qua 10 năm thực hiện, Luật đã đạt được những mục tiêu đặt ra khi xây dựng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dược, bảo đảm quyền người dân được sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý, an toàn và hiệu quả. Việc ban hành Luật dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc do thực tế nảy sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế như về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, về quản lý giá thuốc, đăng ký thuốc, thử thuốc trên lâm sàng… Do đó, việc ban hành Luật dược sửa đổi là cần thiết để khắc phục những tồn tại trên; đồng thời đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sức khỏe và quyền lợi của người người tiêu dùng.