CÂN NHẮC THỜI ĐIỂM TRÌNH DỰ ÁN LUẬT DÂN SỐ TRƯỚC QUỐC HỘI

05/04/2018

Ngày 05/4 tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo Bộ Y tế về dự án Luật Dân số. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội và các chuyên gia về lĩnh vực dân số.

Tại buổi làm việc, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trình bày dự thảo Tờ trình dự án Luật Dân số. Theo đó, trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cụ thể là chúng ta đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số đã có những chuyển dịch tích cực. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh… Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; chất lượng dân số còn thấp; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trình bày dự thảo Tờ trình dự án Luật Dân số.

Trước thực trạng này, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định quan điểm nhất quán “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”; đồng thời, nêu rõ, “công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Trong khi đó, Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2008 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập.

Dự thảo Luật Dân số gửi đến Phiên họp của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội lần này có 7 chương, 35 điều quy định về quy mô dân số và kế hoạch hóa gia đình; cơ cấu dân số; phân bố dân số; chất lượng dân số; điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số và trách nhiệm thi hành.

Đại diện ban soạn thảo khẳng định, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu mà Nghị quyết số 21 của Trung ương đề ra, đó là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là các vấn đề sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; chiều cao; tuổi thọ; các giải pháp cụ thể, thiết thực của công tác y tế đặc trưng gắn với dân số và phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng mong muốn Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các chuyên gia thẳng thắn góp ý kiến cho cơ quan soạn thảo vì quả thực, dự án Luật rất khó khi tác động trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người, nếu quy định chặt chẽ quá thì rất dễ bị phản ứng.

Tại buổi làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các chuyên gia cho rằng, vừa qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực triển khai xây dựng dự án Luật Dân số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh, vấn đề dân số liên quan đến quyền công dân, quyền con người nên phải được điều chỉnh bằng một văn bản luật thay vì pháp lệnh như hiện nay là rất đúng với tinh thần của Hiến pháp. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội ủng hộ quan điểm ban hành Luật và trên thực tế cũng đã cùng với Bộ Y tế tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, HĐND ở cả 3 miền của đất nước...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi đề nghị Bộ Y tế báo cáo Chính phủ cân nhắc thời điểm trình dự án Luật Dân số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi đề nghị Bộ Y tế báo cáo Chính phủ cân nhắc thời điểm trình dự án Luật Dân số ra Quốc hội, có thể chờ đến năm 2019, vì từ ngày 01/4/2019, nước ta sẽ tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5. Khi có kết quả tổng điều tra thì những dữ liệu, cơ sở thực tiễn cho các đề xuất chính sách trong dự thảo Luật Dân số sẽ chắc chắn và khả thi hơn./.

Hoàng Quỳnh