LỒNG GHÉP GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

31/07/2019

"Lồng ghép giới trong Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Toà án" là vấn đề chính của buổi toạ đàm chuyên gia được Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức sáng ngày 31/7 tại Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai đồng chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Giới thiệu một số vấn đề của dự án Luật, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Chu Xuân Minh – đại biện cơ quan soạn thảo, cho biết, hòa giải đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông và hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các sự mâu thuẫn trong tương lai. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đạt được các mục đích cơ bản: xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọng giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.

Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao báo cáo một số nội dung của Dự luật

Về vấn đề giới trong Dự luật, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật xác định một trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đảm bảo lồng ghép giới trong những văn bản quy phạm pháp luật. Trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án vấn đề bình đẳng giới lại càng có ý nghĩa sâu sắc vì các đối tượng tác động của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là cơ quan, tổ chức, trong đó có cả nam và nữ. Bình đẳng giới góp phần vào đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận công lý, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Đồng thời cơ quan soạn thảo cũng xác định việc lồng ghép giới sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của Dự án luật với các quy định pháp luật hiện hành về bình đẳng giới, pháp luật khác có liên quan.

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị nghiêm túc, công phu theo đúng thời hạn đề ra trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội. Một số đại biểu bày tỏ sự tán thành cao đối với sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên các đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng về vấn đề lồng ghép giới trong Dự luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến thảo luận

Đi vào nội dung cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chỉ ra rằng, về cơ bản quy định của dự thảo được thiết kế một cách “trung tính”, đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới, không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Trong Dự án Luật đã có những quy định mang tính nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giới quy định về “bảo đảm quyền bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án”; một số quy định khác cũng có tác động bảo đảm bình đẳng giới như quy định về “nội dung thảo thuận hòa giải, đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng đề nghị cần quy định một số tiêu chuẩn đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên nhất là những người thực hiện hòa giải, đối thoại các vụ việc có đương sự là trẻ em, người chưa thành niên hoặc các vụ việc về hôn nhân gia đình. Những người này phải có kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng giải quyết các vụ việc có đương sự, người tham gia tố tụng khác là trẻ em, người chưa thành niên.

Một số đại biểu tham dự cũng cho rằng, trong nhiều vụ việc, đứng từ góc độ nhạy cảm giới thì người phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn đối với các vụ việc về hôn nhân gia đình; ban soạn thảo cần đánh giá rõ về tính khả thi của việc lồng ghép giới trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam trong Dự luật này.

Kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết, xác đáng của các đại biểu tham dự; khẳng định đây là cơ sở để Ủy ban Về các vấn đề xã hội có ý kiến tham gia thẩm tra về vấn đề lồng ghép giới của dự án Luật này trong thời gian tới./.

Hồ Hương