HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG (SỬA ĐỔI)

10/10/2019

Sáng ngày 10/10, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đa số ý kiến đồng tình với các nội dung của dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đánh giá đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Các đại biểu cho rằng dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này như giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở và trong nhân dân, mở rộng thêm các đối tượng được hưởng chính sách.

Ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ, TB&XH, bày tỏ quan điểm: "Mới chỉ nói đến thời kỳ cách mạng thời kỳ kháng chiến, Thời kỳ cách mạng là từ năm 1925 đến 1945, Kháng chiến từ 1945 đến 1975. Còn thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau năm 1975 đến nay thì những trường hợp bị bắt tù đầy ở biên giới, ở Campuchia, Hoàng Sa Trường Sa phải giải quyết như thế nào? Chúng tôi đã vận dụng nhưng chỉ là nhất thời, chưa có cơ sở pháp lý để làm, nhất thiết phải có hành lang pháp lý cho những trường hợp này. Đây cũng là nội dung mà trong dự thảo đề cập".

Đại biểu phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, có ý kiến không đồng tình với quy định Người hoạt động cách mạng của hai thời kỳ, từ trước ngày 01/01/1945 và  từ 01/01/ 1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 được hưởng chế độ từ trước năm 1945 vì quy định này không phù hợp với nguyên tắc người thuộc đối tượng nào thì được hưởng chế độ của đối tượng đó. Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về một số điều kiện, tiêu chuẩn “liệt sỹ” quy định trong dự thảo Pháp lệnh, như trường hợp người đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở nước ngoài hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị liên tục.

Bà Phạm Thị Thu Trang - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, nêu quan điểm: "Việc quy định như thế này theo chúng tôi là chưa phù hợp, giả sử trong tình trạng họ bị thương bị bệnh, mà có nhiều trường hợp xảy ra không phải họ chết tại bệnh viện, mà họ chết trong thời gian đưa về nước hoặc điều trị tại địa điểm khác mà không phải điều trị nội trú thì có công nhận liệt sỹ hay không?".

Có ý kiến không đồng tình với việc dừng xem xét đối tượng bệnh binh thời bình như trong dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), vì cho rằng chế độ bệnh binh vẫn còn phù hợp và hiện nay ở các địa phương còn rất nhiều đối tượng đang hưởng chế độ này.
Đại tá Vũ Văn Quang - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Nếu số người trước đây ta không làm được chế độ gì cho họ mà bây giờ chuyển sang chế độ bệnh binh là hợp lý, vì có nhiều trường hợp làm hồ sơ thương binh nhưng không đủ tiêu chuẩn, phải có giấy chứng nhận bị thương, phải có giấy ra viện những cái đó là chịu chết, nên giải quyết cho họ chế độ bệnh binh thì dễ hơn"

Ngoài ngân sách Trung ương đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng như quy định trong Dự thảo, có đại biểu đề nghị cần quy định ngân sách địa phương cần bố trí kinh phí để góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và thân nhân đối tượng chính sách ở địa phương, thực hiện nguyên tắc đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú tại Điều 6 của dự thảo pháp lệnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị của các đại biểu đầy trách nhiệm, mang tính toàn diện trên cả lĩnh vực lý thuyết và thực tiễn. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổng hợp để hoàn thiện nội dung góp ý vào dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)./.

Nguyễn Hùng