HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

13/08/2019

Ngày 13/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tham dự hội nghị có Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc Hội; Ông Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai; Bà Nguyễn Thị Như Ý - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai.

Toàn cảnh hội nghị 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về 10 nhóm nội dung cơ bản gồm: hợp đồng lao động và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm tối đa, vấn đề tiền lương, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, những quy định riêng đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, thời gian nghỉ Tết âm lịch… Trong số đó, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thời giờ làm thêm của người lao động được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến.

Ông Nguyễn Thanh Phước, đại diện doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nêu ý kiến: “Tôi nhất trí khoản 3 điều 95 về việc trả lương kèm theo phiếu báo bảng tiền lương cho người lao động trong đó ghi rõ mức lương, tiền làm thêm giờ, các khoản thu nhập khác cho người lao động, kể các các khoản chi phí khấu trừ. Thực tế thì hiện nay các công ty trả lương song song, và cái này cũng đã được áp dụng từ lâu rồi nên việc đưa quy định này vào Luật càng sớm càng tốt là điều hợp lý.”

Hội nghị đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và đại diện người lao động trên địa bàn tỉnh 

Vấn đề nới rộng khung giờ làm thêm cũng phải tính đến điều kiện môi trường và sức khỏe người lao động. Một số ý kiến cho rằng cần đưa thêm vào dự thảo luật nhiều điều khoản mới, tiến bộ nhằm nâng cao hơn nữa quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chất lượng bữa ăn, chế độ xây dựng nhà ở cho công nhân.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, đại diện doanh nghiệp, bày tỏ quan điểm: “Người lao động đã cố gắng trong công việc nhưng nếu vì nhu cầu muốn kiếm thêm thu nhập mà làm tang ca, thêm giờ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy theo tôi nên giữ nguyên quy định làm 300 giờ/năm. Về đề xuất tăng thêm giờ thì tăng thêm xây dựng lũy tiến giờ tăng ca, nghĩa là từ 1-2 giờ trong ngày thì tính 150%, nhưng nếu tăng giờ thứ 2, thứ 3 thì phải tăng thêm để hỗ trợ sức khỏe người lao động”.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại hội nghị

Kết thúc hội nghị, nhiều vấn đề được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ghi nhận và được đánh giá cao trong việc hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Bộ Luật này sẽ được sửa đổi cơ bản và toàn diện nhằm giải quyết 10 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây, giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 6 năm áp dụng trên thực tế từ 2013 và đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia như: CPTPP, EVFTA./.

Vũ Thạch