Toàn cảnh hội nghị
Các ý kiến góp ý tại hội nghị đều tập trung vào những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn khi giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, cũng như việc tổ chức thực hiện chính sách cho các đối tượng được hưởng tại địa phương. Trong đó có kiến nghị về chế độ trợ cấp cho thế hệ thứ 3 đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Đây là nội dung đã được kiến nghị nhiều lần và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Anh Cả - Chủ Tịch Hội nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Quảng Nam, rất nhiều trường hợp tại Quảng Nam mong chờ có chế độ trợ cấp cho thế hệ thứ 3, Trung ương cần sớm triển khai nội dung này bởi hầu hết các hoàn cảnh đều rất khó khăn.
Giải đáp cho vấn đề này, ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công – Bộ LĐ,TB&XH, cho biết, cơ quan chuyên môn chưa khẳng định được tác hại của chất độc hoá học đối với thế hệ thứ 3, nên hiện chưa có cơ sở để làm, đang cân nhắc chuyển sang chế độ bảo trợ ở mức cao hơn.
Ngoài ra một số ý kiến còn cho rằng cần hiện mới chỉ thực hiện chính sách BHYT đối với thân nhân người có công. Cần cân nhắc đối với các đối tượng là thân nhân cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng. Đồng thời có quy định đối với một số trường hợp xin được hưởng trợ cấp 1 lần.
Bên cạnh đó, trên thực tiễn thực hiện tại địa phương, một số ý kiến đề nghị như: Đối với khoản 4, điều 55, nếu người có công với cách mạng thuộc 2 đối tượng trở lên, khi mất đi thì thân nhân chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của 1 chế độ thôi. Hoặc đối với khoản 4 điều 54, nếu đã quy định việc đình chỉ hoặc chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi thì cũng cần xây dựng quy định những trường hợp được phục hồi và được hưởng trở lại để phù hợp với thực tế.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị với tinh thần trách nhiệm cao. Phó Chủ nhiệm cho biết, các ý kiến tại hội nghị sẽ là cơ sở để tham gia xây dựng, bổ sung những vấn đề còn khiếm khuyết cho dự thảo Pháp lệnh được hoàn thiện hơn/.