TOẠ ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

16/09/2016

Chiều 15/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Viện Liên kết toàn cầu, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và tôn giáo quốc tế và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức buổi tọa đàm về nội dung “Góp ý Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo” để tham vấn, trao đổi ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai. Viện trưởng Nguyễn Đình Quyền chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Tham dự tọa đàm có: đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện Ban Tôn giáo TP. Hà Nội, đại diện Trung tâm nghiên cứu pháp luật và tôn giáo quốc tế, đại diện Viện Liên kết toàn cầu, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế.

Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc… Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã được ghi nhận và được kế thừa, phát triển trong những bản Hiến pháp tiếp theo, thể hiện sự tôn trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Hiến pháp năm 2013 đã có sự tiến bộ vượt bậc trong quan điểm lập pháp về các quyền tự do, dân chủ của người dân khi quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Để thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp 2013, Quốc hội khóa XIII đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18/6/2004, đồng thời tiếp thu các chuẩn mực quốc tế, quan điểm lập pháp tiến bộ của thế giới về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân và hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền tin tưởng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu quốc tế và Việt Nam về lĩnh vực tôn giáo và pháp luật, Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, bổ ích. Do tính chất phức tạp của dự thảo luật. Viện trưởng Nguyễn Đình Quyền đề nghị các chuyên gia trao đổi, thảo luận trên tinh thần khẩn trương, thẳng thắn để cùng làm rõ những vướng mắc trong dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, giúp cho cả cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có thể trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo tốt hơn.

Tại buổi Tọa đàm, đa số các đại biểu đều đánh giá dự thảo Luật có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh, với 9 chương và 69 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và tôn giáo quốc tế, GS. Brett Scharffs cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo nên quy định theo hướng thúc đẩy tự do tín ngưỡng, tôn giáo thay vì kiểm soát tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể, các quy định về đăng ký hoạt động của các tổ chức tôn giáo, cũng như công nhận tổ chức tôn giáo tại Chương IV và Chương V của dự thảo Luật còn đang phức tạp, mang tính chất kiểm soát. Theo ông, những quy định này nên được đơn giản hóa để thúc đẩy các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp.

Một số đại biểu khác cho rằng, tự do không có nghĩa là vô hạn, làm gì cũng được, việc quy định để kiểm soát các tổ chức tôn giáo hoạt động sao cho phù hợp với tình hình, điều kiện xã hội ở Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo thì Ban soạn thảo nên nghiên cứu, xem xét lại, đảm bảo đơn giản, tránh rườm rà.

Liên quan đến quy định về tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục, một số đại biểu băn khoăn, có nên cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào hoạt động giáo dục, truyền bá tôn giáo trong trường học, và thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác hay không? Theo các đại biểu, việc tham gia thực hiện các hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo cần được thảo luận kỹ lưỡng hơn vì hiện nay vẫn còn hai loại ý kiến về vấn đề này.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước, khẳng định những ý kiến này sẽ là thông tin rất hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Tín ngưỡn, tôn giáo trình Quốc hội tại kỳ hợp thứ hai.

Tin và ảnh: Thu Phương