VAI TRÒ CỦA NGHỊ VIỆN TRONG KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC VÀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

24/08/2016

Sáng 24/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức buổi Tọa đàm: “Vai trò của Nghị viện trong kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng”. Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm còn có sự tham gia, trao đổi kinh nghiệm của chuyên gia Hoa Kỳ về xây dựng và phát triển năng lực Nghị viện Eleanor Valentine cùng các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu tại Hà Nội.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp PGS.TS Hoàng Văn Tú cho biết, kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng và chống tham nhũng là vấn đề được quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, khi tham nhũng đã và đang là vấn nạn quốc gia, với các hình thức ngày càng trở nên tinh vi và nguy hiểm nhất thì việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan được giao nhiệm vụ chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội có vai trò quan trọng đặc biệt trong công tác phòng chống tham nhũng. Với chức năng lập hiến, lập pháp Quốc hội thể hiện vai trò của mình trong việc thiết lập được hệ thống pháp luật đủ mạnh để phòng và chống tham nhũng. Trong lĩnh vực giám sát, giám sát tối cao của Quốc hội được xem là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, với mục đích cơ bản là phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước - một loại hình của tham nhũng.

Trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn quyết định các nội dung quan trọng liên quan đến chính sách kinh tế, ngân sách, dự toán ngân sách, từng loại thu, lĩnh vực chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, mức bội chi ngân sách nhà nước, các nguồn bù đắp bội chi.

Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ (quyết định, phê chuẩn, giám sát việc thực hiện ngân sách...), Quốc hội góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng từ khâu đầu tiên của quá trình xác lập, phân bổ nguồn lực của đất nước, ngay từ khâu xác định mục tiêu, lựa chọn giải pháp kế hoạch cho nhiệm vụ phát triển đất nước, góp phần phòng và chống các hành vi sai trái của các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực thi quyết định, nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Văn Tú cũng chỉ ra rằng, hiện nay, việc thực hiện nhiệm vụ này của Quốc hội Việt Nam chưa thực sự được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả thực tế. Có rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra và chúng ta đang từng bước khắc phục nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Trước mắt, trong năm 2017, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Do vậy, việc thu thập, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một đạo luật có hiệu quả trên thực tế là một yêu cầu được đặt ra.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày tổng quan về xu hướng phòng chống ngừa và tăng cường giám sát của nghị viện các nước trong phòng chống tham nhũng, nâng cao năng lực cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, các cơ chế giám sát tại Quốc hội và vận động hành lang.

Theo chuyên gia Hoa Kỳ về xây dựng và phát triển năng lực Nghị viện Eleanor Valentine nỗ lực phòng chống tham nhũng phải được thực hiện một cách toàn diện và tổng thể, bắt đầu từ những bước phòng ngừa và tăng cường giám sát là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cần có sự thay đổi tư duy về hoạt động của bộ máy công quyền hay việc cung cấp các dịch vụ công theo hướng tạo cơ hội bình đẳng cho người dân được tiếp cận thông tin. Bởi, một trong những cách phòng chống tham nhũng hiểu quả là việc công khai thông tin. Các cá nhân, tổ chức được có cơ hội nhiều hơn để đưa ra yêu cầu về cung cấp thông tin, tiếp cận và tìm hiểu những vấn đề mà mình quan tâm, trong đó có hoạt động của bộ máy nhà nước, và tăng cường giám sát.

Bà Eleanor Valentine chia sẻ, tại Hoa Kỳ, Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc đề xuất, soạn thảo và hướng dẫn thi hành luật như ở Việt Nam. Tuy nhiên, để kiểm soát quyền lực của Chính phủ trong vấn đề này, pháp luật có quy định yêu cầu Chính phủ phải công khai các thông tin đầu vào sử dụng để xây dựng văn bản dưới luật, cũng như công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công. Các nhóm hoạt động vì lợi ích cộng đồng tại Hoa Kỳ hoạt động tương đối mạnh mẽ và hiệu quả trong việc tập hợp và công khai các thông tin về hoạt động của Chính phủ trong đó có đấu thầu mua sắm công để mọi người dân đều có thể biết và tiến hành chất vấn trong trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Ngoài ra, tại tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi thêm thông tin về vai trò, hoạt động, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu của Quốc hội và tăng cường cơ chế hợp tác giữa các nghị viện trong việc cung cấp các thông tin cần thiết, hỗ trợ hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Tin và ảnh: Bảo Yến