Tọa đàm Kinh nghiệm Hoa Kỳ trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng
Tọa đàm có sự tham gia, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Thẩm phán phúc thẩm liên bang khu vực VI của Hoa Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ Allyson Kay Duncan, các cán bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan hữu quan.
Phát biểu tại tọa đàm, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp TS.Nguyễn Đình Quyền cho biết công tác phòng chống tham nhũng là một trong những vấn đề khó khăn, thách thức, là mối quan tâm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định tham nhũng là quốc nạn mà tất cả người dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội phải có trách nhiệm đấu tranh, đẩy lùi.
TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết, một trong những ưu tiên của Viện nghiên cứu lập pháp trong năm 2016- 2017 là thực hiện những bước đột phá trong hoạt động nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu thực tiễn trong nước và quốc tế để tư vấn cho Quốc hội, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xây dựng một đạo luật về phòng chống tham nhũng có tính khả thi cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để có thể từng bước giảm dần tham nhũng, để Việt Nam trở thành một quốc gia trong sạch.
Nhấn mạnh, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong phòng chống tham nhũng, không chỉ phòng chống tham nhũng trong nước mà còn ở nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp Hoa Kỳ thực hiện hành vi hối lộ ở nước ngoài không những bị trừng phạt tại nước sở tại mà còn bị xử phạt nghiêm khắc và nhận bản án nặng ở Hoa Kỳ. Đây thực là những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt. Đặc biệt phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực chính trị cũng được quan tâm và thực thi nghiêm túc. Do vậy, TS.Nguyễn Đình Quyền bày tỏ quan tâm đến kinh nghiệm của Hoa Kỳ liên quan đến phòng chống tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ chính trị và hành chính; vấn đề kê khai, công khai tài sản; sự tham gia của người dân, các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội trong việc giám sát tài sản của người có chức vụ; cơ chế bảo vệ người tố cáo, bảo vệ nhân chứng; quy trình truy tố, xét xử người tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ David Muelhke cũng cho hay trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đồng thời, Đại sứ quán Hoa Kỳ đang chuẩn bị triển khai thực hiện biên bản thỏa thuận được ký giữa Chính phủ Hoa Kỳ với Bộ Công an về việc đẩy mạnh hơn nữa phạm vi hợp tác trong thực thi pháp luật và tư pháp. Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cho rằng hiện nay là thời điểm thích hợp để các cơ quan nhà nước ở Việt Nam cải cách tư pháp và pháp luật một cách toàn diện và mạnh mẽ. Vì vậy, trong thời gian tới, Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về vấn đề này, trong đó có phòng chống tham nhũng và rửa tiền.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe thẩm phán Allyson Kay Duncan chia sẻ vai trò của Tòa án trong việc giải thích và áp dụng pháp luật; giới thiệu chung về pháp luật phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ.
Thực tế, tại các quốc gia, khó có thể có được một đạo luật với 100% các quy định được thể hiện một cách chắc chắn và rõ ràng. Những quy định mập mờ của pháp luật sẽ khiến cho người dân không hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình và việc giải thích và áp dụng pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi đó, Tòa án có vai trò đứng ra giải thích và áp dụng pháp luật một cách thống nhất. Tại Hoa Kỳ, các thẩm phán thường áp dụng các nguyên tắc, cụ thể: Hiểu và tuân theo một cách cơ bản và đơn giản nhất các thuật ngữ trong quy định của pháp luật trừ khi cách hiểu đơn giản đó dẫn đến những điều vô lý; Giải thích quy định pháp luật theo hướng bảo vệ những quyền Hiến định của công dân; và trong trường hợp đạo luật có những quy định trái với Hiến pháp hoặc không phù hợp với thực tế thì việc giải thích pháp luật sẽ bác bỏ những quy định vi hiến và công nhận những phần còn lại của đạo luật.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Về pháp luật phòng chống tham nhũng, thẩm phán Allyson Kay Duncan thẳng thắn thừa nhận nỗ lực ban hành văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ chưa thành công khi mà có rất ít văn bản pháp luật quy định về phòng chống tham nhũng tại Hoa Kỳ và điều này dường như đi ngược với sự quan tâm rất lớn của người dân. Hoa Kỳ có đạo luật của liên bang về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực rất cụ thể liên quan đến các hành vi lừa đảo và gian lận trong công tác bầu cử. Một trong những đạo luật toàn diện nhất trong lĩnh vực này hiện nay quy định về hành vi tham nhũng xảy ra ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực cũng có những quy định cụ thể về tham nhũng như quy định nghiêm cấm hối lộ các quan chức làm công tác kiểm soát nhập cư hay quy định về những hành vi lừa đảo trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng, kế toán.
Làm rõ một số nội dung cụ thể trong phòng, chống tham nhũng như áp dụng điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng, quản lý tài sản của người có chức vụ, việc bảo vệ người làm chứng… thẩm phán Allyson Kay Duncan cho rằng không cần thiết phải áp dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt trong các vụ án tham nhũng, đặc biệt là những biện pháp xâm phạm đến quyền Hiến định của công dân. Điều quan trọng là các điều tra viên phải có kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực như tài chính- ngân hàng, kế toán, kiểm toán để thấy được sự bất thường về tài sản cũng như chứng minh được tài sản có được là do tham nhũng, hối lộ. Thẩm phán Allyson Kay Duncan nhấn mạnh, trong nhà nước pháp quyền cần tôn trọng thực hiện nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh vi phạm thuộc về phía nhà nước vì vậy trong điều tra các vụ án tham nhũng cần phải nâng cao năng lực của các cơ quan điều tra, các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện các hành vi vi phạm.
Trong vấn đề quản lý tài sản, thẩm phán Allyson Kay Duncan cho biết tại Hoa Kỳ, các cán bộ phải có bản kê khai tài sản chi tiết cũng như các hoạt động đầu tư của mình hàng năm và việc kê khai không chính xác được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ cũng có cơ quan đảm nhận trách nhiệm điều tra và xác minh về tài sản của cán bộ cơ quan nhà nước. Đối với các thẩm phán Hoa Kỳ, họ phải tuân theo bộ quy tắc nghề nghiệp trong đó có các quy định về kê khai tài sản, giới hạn giá trị của quà tặng được nhận hay trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của người thẩm phán trước công chúng.
Thực tế, nếu chỉ kiểm soát trong nội bộ các cơ quan nhà nước thì hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ không cao mà cần có sự giám sát từ phía người dân và các tổ chức xã hội dân sự hay áp lực của báo chí, truyền thông nhằm tăng cường minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, buộc các cán bộ công chức cẩn trọng hơn trong phát ngôn và hành động của mình . Vì vậy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông báo chí trong phòng, chống và phát hiện các vụ việc tham nhũng là vô cùng quan trọng.