Tham dự Hội nghị còn có: nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão; Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên các lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên của tạp chí.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Đình Nam
Ngày 14/12/2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 242-NQ/UBTVQH10, quyết nghị chuyển Bản tin Nghiên cứu Lập pháp thành Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp. 15 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tạp chí luôn giữ vững tôn chỉ mục đích, xác định rõ đối tượng phục vụ là hoạt động lập pháp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Tạp chí đã xác định rõ yêu cầu xây dựng và nâng cao uy tín chính trị, đảm bảo nội dung luôn phù hợp với định hướng về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thẳng thắn nêu nên những vấn đề bức xúc được các nhà khoa học, cử tri quan tâm, góp phần đưa ra những kiến nghị xác đáng nhằm hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách hoặc có thể vận dụng trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng pháp luật, xây dựng nhà nước và chính sách thi hành pháp luật.
Tạp chí đã xuất bản được 303 số thường kỳ với 2.985 bài viết khoa học, tương đương 24.009 trang in khổ 19cmx27cm. Ngoài ra, Tạp chí đã xuất bản 3 số bằng Tiếng Anh. Xuất phát từ yêu cầu cung cấp đa dạng hơn thông tin nghiên cứu phục vụ cho Quốc hội, cho các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng như bạn đọc cả nước, từ tháng 7/2005 đến tháng 3/2008, Tạp chí xuất bản số chủ đề Hiến kế Lập pháp. Số chủ đề Hiến kế Lập pháp đã xuất bản được 33 số với 716 bài viết, tương đương 2.642 trang in. Đến nay, tạp chí có hơn 300 cộng tác viên viết bài thường xuyên trên toàn quốc và ở nước ngoài, trở thành một diễn đàn rộng rãi về nhiều vấn đề pháp luật và chính sách đang được công chúng quan tâm, bàn thảo tại các cơ quan đại diện và chính quyền địa phương các cấp.
Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu lập pháp Phạm Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng và toàn diện của thông tin lý luận đến các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học, giúp nâng cao tính tiện dụng khi tra cứu, Tạp chí đã tổ chức biên soạn các cuốn sách: “Quốc hội Việt Nam- Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, “Khái niệm pháp lý trong các văn bản pháp luật”, “Quốc hội và các thiết chế trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”…
Trước yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trước nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và đòi hỏi tính cập nhật cao, Tạp chí sẽ phải tiếp tục hoàn thiện, đổi mới và phát triển cả về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy và các sản phẩm phục vụ để tiếp tục xứng đáng là một diễn đàn về nhà nước, pháp luật và chính sách, một tạp chí lý luận hàng đầu về tổ chức và hoạt động lập pháp, hoạt động dân cử trong cả nước.
Ghi nhận những đóng góp hiệu quả của tập thể cán bộ trong tạp chí và các cộng tác viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo đề nghị thời gian tới, tạp chí cần tiếp tục quán triệt tôn chỉ mục đích của một tạp chí nghiên cứu lập pháp, bám sát chương trình hoạt động của Quốc hội, tham gia nghiên cứu và đăng tải các công trình nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt sớm phát hiện những vấn đề mới, yêu cầu mới của xã hội và cử tri trong xây dựng và thi hành pháp luật; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học, cộng tác viên trong cả nước; phấn đấu trở thành tạp chí nghiên cứu lập pháp chuyên ngành hàng đầu Việt Nam.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp tặng hoa các Chuyên gia, cộng tác viên Tạp chí NCLP
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Tạp chí vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do là tạp chí chuyên ngành, nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật cũng như tổ chức hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu- tự chủ về tài chính nên đời sống cán bộ, người lao động gặp không ít khó khăn. Nhận thức được những khó khăn, thách thức, TS.Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, với nhiều vận hội mới, tạp chí sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của Quốc hội Việt Nam, đưa thông tin, tri thức khoa học, trí tuệ tạo nền tảng lý luận, thực tiễn, pháp lý vào trong các quyết sách, các hoạt động của Quốc hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã gửi thư chúc mừng đến toàn thể đội ngũ cán bộ Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhấn mạnh mong muốn Tạp chí sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, xây dựng Tạp chí thực sự trở thành diễn đàn có uy tín về lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực Nhà nước và Pháp luật, có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu, xây dựng và phổ biến chính sách, pháp luật.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp tặng hoa các Chuyên gia, cộng tác viên Tạp chí NCLP