Tham dự buổi tọa đàm có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu, giảng viên đến từ các học viện, các trường đại học, các viện nghiên cứu chuyên về luật và chính trị.
Na Uy là nước có bản Hiến pháp thành văn lâu đời thứ hai trên thế giới từ năm 1814, chỉ sau Hoa Kỳ. Na Uy cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về nhân quyền, nơi chuyên đào tạo các chuyên gia về nhân quyền cho cả thế giới. Do vậy, Tọa đàm đã mời Giáo sư Smith, một chuyên gia hàng đầu của Đại học tổng hợp Oslo về luật công và luật quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm cho các đại biểu tham dự.
Na Uy vừa cập nhật bản Hiến pháp vào năm 2014 với nhiều điều khoản mới về nhân quyền. Năm 2013 Quốc hội Việt Nam đã ban hành một bản Hiến pháp mới, với một chương mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo đó đề cao quyền làm chủ của nhân dân, đề cao giá trị, phẩm giá của con người và nhấn mạnh những cam kết của Việt Nam đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một bên tham gia. Trong mấy năm vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã và đang sửa đổi, bổ sung một loạt các đạo luật nhằm thể chế hóa những tinh thần tiến bộ đó của Hiến pháp 2013.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được nghe Giáo sư Eivind Smith trình bày tổng quan về Hiến pháp Na Uy, các thiết chế nhằm bảo vệ Hiến pháp và quyền con người, liên hệ giữa Hiến pháp và việc thực hiện các quyền căn bản của người dân Na Uy như quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng và tôn giáo...
Các đại biểu tham dự cũng đặt nhiều câu hỏi cho Giáo sư Eivind Smith để làm rõ hơn những nội dung trong Hiến pháp của Na Uy như cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, thể chế kinh tế, sự phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương, cơ chế ủy quyền lập pháp…, qua đó rút ra nhiều bài học tham khảo cho Việt Nam.