• Quốc hội khóa XV
  • ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM QUÁ CẢNH HÀNG HÓA QUA HỆ THỐNG QUÁ CẢNH HẢI QUAN ASEAN

    17/09/2019

    Cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan, tại phiên họp thứ 37, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị định của Chính phủ và đề nghị cần thí điểm thực hiện với bước đi thận trọng trước khi áp dụng toàn diện.

    Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Theo đó, để thực hiện Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh mà Việt Nam tham gia; nội luật hóa các quy định của Nghị định thư vào quy định của pháp luật Việt Nam, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định Quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (gọi tắt là Hệ thống ACTS) để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN

    Dự thảo Nghị định quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, người khai hải quan, quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, quy định về hàng hóa quá thông qua hệ thống ACTS và địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. Quy định về thủ tục quá cảnh hải quan thông qua hệ thống ACTS; hệ thống công nghệ thông tin thực hiện thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS; về bảo lãnh hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS; chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp quá cảnh.

    Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, dự thảo Nghị định có rất nhiều nội dung mang tính chất kỹ thuật cao và là những vấn đề mới, luật trong nước chưa có như cơ chế bảo lãnh hay áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu và phải hết sức thận trọng trong bối cảnh hoạt động hải quan phức tạp. Qua kết quả thực hiện thí điểm của 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng cho thấy bộc lộ nhiều vấn đề về đường truyền, hệ thống, nền tảng của công nghệ thông tin giữa các nước trong khối ASEAN cũng không đồng bộ.

    Do đó những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét là có cho phép Chính phủ ban hành nghị định quy định về việc quá cảnh hàng hoá theo Hệ thống ACTS, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu hội nhập và quản lý nhà nước; cho phép Chính phủ xác định thời gian có hiệu lực của Nghị định để đảm bảo linh hoạt trong việc thực hiện Nghị định thư 7 và chương trình thí điểm Hệ thống ACTS. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý hiện hoạt động của hải quan, buôn bán rất nhiều, khối lượng lớn nên rất phức tạp buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại cũng rất phức tạp nên nếu không chú ý chỗ này thì có thể dẫn tới bị lợi dụng, làm thiệt hại đến chủ quyền, thiệt hại đến số thuế.  

    Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

    Nhất trí với việc ban hành nghị định của Chính phủ thực hiện đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một bước nội luật hoá các cam kết về lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, trong đó lưu ý đến các nội dung bảo lãnh, đặt cọc thuế và doanh nghiệp ưu tiên, xác định đối tượng nào được gọi là doanh nghiệp ưu tiên. Những nội dung này vừa làm vừa thận trọng thực hiện các nhiệm vụ vừa nâng tầm lên để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

    Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần yêu cầu phải tăng cường hiện đại hoá của ngành Hải quan, đảm bảo kết nối, đảm bảo an toàn. Do đó phải tăng cường trang thiết bị hiện đại cho ngành Hải quan để thực hiện nhiệm vụ trong khối ASEAN.

    Làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, về mặt pháp lý chúng ta trách nhiệm thực hiện cam kết đúng như những gì đã quy định theo Nghị định thư 7. Với các nội dung của Nghị định thư 7, ngay từ đầu Chính phủ đã xác định đây là những vấn đề phức tạp nên cần thiết phải có nội địa hoá bằng một Nghị định.

    Đặc biệt đối với hai vấn đề Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội do pháp luật trong nước chưa có quy định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ quan điểm đáng lý ra đây là những nội dung pháp luật trong nước cần phải quy định rồi. Tình trạng quá cảnh nhưng lại tiêu thụ trong nước mà chúng ta không làm gì được, vì chúng ta không có bảo lãnh, không có cầm cố, doanh nghiệp quá cảnh không có trách nhiệm gì. Pháp luật cũng nên hoàn thiện theo hướng là phải có bảo lãnh, hàng hóa được quá cảnh đi qua đất nước chúng tôi nhưng nếu anh vi phạm thì sẽ xử lý. Về doanh nghiệp ưu tiên, Nghị định quy định rất chặt chẽ điều kiện được ưu tiên, phù hợp với chủ trương chung của chúng ta để đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trong những năm vừa qua, Chính phủ tập trung vào việc cải cách thủ tục hải quan góp phần tạo thuận lợi thương mại để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế trong nước như thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách kiểm tra chuyên ngành. Về việc thực hiện thí điểm Hệ thống ACTS, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay vừa qua  các chuyên gia đã vào Việt Nam đào tạo cán bộ và lắp đặt thiết bị. Hệ thống ACTS đang chạy song song với hệ thống điện tử hải quan trong nước đang dùng. Đến khâu cuối phải kết nối 2 hệ thống này với nhau. Do đó phải có giai đoạn chạy thử, phải đi từng bước, từng khâu và khi có Nghị định của Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện.

    Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc Nghị định ban hành phải bảo đảm nguyên tắc như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 12 là không áp dụng toàn bộ Nghị định thư, mà chỉ thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời bảo đảm chủ quyền, quyền lợi quốc gia, quyền lợi của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

    Về các nội dung về cơ chế bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế, doanh nghiệp ưu tiên mà Chính phủ xin ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về nguyên tắc song cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại thẩm quyền cho ý kiến của Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ trong ban hành Nghị định và hướng dẫn thực hiện đảm bảo các nguyên tắc về chủ quyền, lợi ích quốc gia, các nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung thảo luận

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần làm thí điểm với những bước đi thận trọng, rút kinh nghiệm trước khi thực hiện toàn diện các thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

    Về thời điểm phê duyệt Nghị định thư 7 cũng như hiệu lực thi hành của dự thảo Nghị định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chủ động xem xét, xác định hợp lý.

    Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để nâng cao năng lực của hải quan, nhất là về hải quản điện tử để bảo đảm an toàn, kết nối, thông suốt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống lợi dụng quá cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại. 

    Bảo Yến

    Các bài viết khác