Cần tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em

29/10/2014

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch, đa số ĐBQH tán thành với nội dung đã được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý, cho rằng dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính cải cách hành chính. Riêng với việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em, nhiều ĐBQH nhất trí cần tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về nội dung này. Bởi lẽ, thẻ căn cước công dân không thể thay thế cho giấy khai sinh. Việc cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): Quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân, được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm

Trước hết, tôi tán thành với những quy định mang tính cải cách hành chính của dự thảo Luật Hộ tịch, đặc biệt là những quy định về phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho UBND cấp huyện và UBND cấp xã, để UBND cấp tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần giao Chính phủ có giải pháp kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại cấp huyện và công chức tư pháp hộ tịch tại UBND cấp xã để đáp ứng yêu cầu của Luật.

Tôi nhất trí với đề nghị kế thừa quy định hiện hành về đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em trong Luật Hộ tịch lần này, bởi 5 lý do. Thứ nhất, quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân, được Nhà nước ta công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Theo khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh và có quốc tịch. Đây cũng là những quy định nhằm nội luật hóa Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới tham gia ký kết.

Thứ hai, theo quy định của Luật hiện hành cũng như dự thảo Luật Hộ tịch trình QH, khi đăng ký khai sinh, trẻ em được cấp giấy khai sinh; thủ tục đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam do UBND cấp xã thực hiện, tức là công chức tư pháp và hộ tịch xã sẽ giúp. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân, sau khi đăng ký khai sinh, UBND cấp xã chuyển thông tin cho cơ quan quản lý căn cước. Và theo dự thảo Luật Căn cước công dân cũng chưa rõ chuyển thông tin cho cơ quan nào trong số các cơ quan được quy định tại khoản 9, Điều 4. Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để tiếp tục làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam. Điều này sẽ làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan nhà nước, phiền hà cho người dân.

Thứ ba, giấy khai sinh có giá trị suốt đời của mỗi người, không có hạn sử dụng mà phải đổi như thẻ căn cước công dân. Theo điểm a, khoản 2, Điều 20 của dự thảo Luật Căn cước công dân: hạn sử dụng thẻ căn cước công dân của người dưới 15 tuổi là từ khi cấp thẻ đến khi người đó đủ 14 tuổi. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi gây tốn kém hơn về mặt kinh phí cho Nhà nước và người dân, vì giá thành làm thẻ tốn kém hơn việc in ấn giấy khai sinh. Hơn nữa, khi công dân đủ 14 tuổi lại đổi thẻ khác.

Thứ tư, việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh, theo quy định hiện  hành cũng như dự thảo Luật Hộ tịch lần này được áp dụng cho mọi trường hợp, kể cả người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, trong khi đó Luật Căn cước công dân không quy định cấp thẻ căn cước công dân đối với người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, bao gồm cả người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam. Do đó, sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, cũng như việc thực hiện các quyền trẻ em thuộc đối tượng này như đi lại, học tập, khám, chữa bệnh. Ngoài ra, dự thảo Luật Căn cước công dân chưa quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ em là công dân Việt Nam sinh ra tại nước ngoài.

Thứ năm, việc cấp, bỏ Giấy khai sinh và thay thế bằng cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam, khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Trong bối cảnh hầu hết các nước được cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh, vấn đề đó trở thành thông lệ quốc tế. Vì vậy, với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam có trách nhiệm đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em, để trẻ em thực hiện đầy đủ các quyền của mình, do Công ước quy định...

Từ những điểm trên, tôi thấy cần tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em như trong dự thảo Luật Hộ tịch. Việc cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên và cần chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật Căn cước công dân, Giấy khai sinh của trẻ em chưa đủ 14 tuổi là mang số định danh cá nhân và khi đủ 14 tuổi trở lên thì cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân được cấp, khi đăng ký khai sinh sẽ là số căn cước của công dân. Như vậy bảo đảm thực hiện mục tiêu đã xác định tại Đề án 896 cũng như bảo đảm tiện dụng, không xáo trộn, không gây tốn kém, lãng phí. Hơn nữa, trên cơ sở xác định tầm quan trọng của Giấy khai sinh, đề nghị cần luật hóa, cụ thể nội dung, hình thức của Giấy khai sinh, ngoài giá trị chứng minh việc sinh, Giấy khai sinh còn có giá trị là giấy tờ tùy thân của trẻ em, khi đủ 14 tuổi.

ĐBQH Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh): Giao cho cán bộ tư pháp cấp quận, huyện thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài là khó khả thi

Làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để bảo đảm cho người dân thực hiện quyền cơ bản, lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định chính sách phát triển KT-XH, QP-AN. Công tác đăng ký hộ tịch hiện nay còn nặng nề, nhất là về thủ tục hành chính, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Việc QH ban hành Luật Hộ tịch sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của người dân một cách thuận lợi, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong tình hình mới.

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, tôi thấy, hiện nay, vấn đề đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có nhiều phức tạp, việc xử lý hồ sơ phải bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác vì liên quan đến yếu tố ngoại giao và an ninh. Tuy nhiên, thực tế, trình độ cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch ở cấp quận, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cũng đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có trình độ ngoại ngữ, tin học thành thạo. Do đó, nếu dự thảo Luật quy định theo hướng giao cho cán bộ tư pháp cấp quận, huyện thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Đề nghị nên giữ nguyên quy định hiện hành giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bởi ở cấp này sẽ gắn liền với sở ngoại vụ, sở tư pháp, đồng thời việc xác minh nhân thân, yếu tố người nước ngoài cũng giao cho công an cấp tỉnh, thành phố.

Về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đây là nội dung mới, là xu hướng tất yếu trong thời gian tới vì việc quản lý hộ tịch chủ yếu bằng phương pháp thủ công qua sổ sách, giấy tờ như hiện nay đang gây nhiều vướng mắc cho công tác quản lý. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cần phải được quy định cụ thể, cần phân biệt thẩm quyền có yếu tố nước ngoài của cơ quan trích lục, nhằm tránh trường hợp chồng chéo dữ liệu và chỉnh sửa dữ liệu khi cấp trích lục. Khi trích lục về sự kiện hộ tịch quy định không phụ thuộc vào nơi cư trú. Mọi cá nhân đều có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch cung cấp trích lục về sự kiện hộ tịch đã được đăng ký.

ĐBQH Nguyễn Minh Lâm (Long An): Quy định nhiệm vụ của công chức tư pháp như dự thảo Luật là quá rộng, khó thực hiện

Khoản 2, Điều 5 quy định UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Quy định như dự thảo đòi hỏi cán bộ phụ trách công tác hộ tịch cấp huyện phải am hiểu sâu một số ngoại ngữ, nhưng thực tế hiện nay, trình độ ngoại ngữ của công chức làm công tác tư pháp hộ tịch ở cấp huyện, đa số các nơi còn hạn chế. Theo quy định của dự thảo Luật thì rất khó đáp ứng được trong giai đoạn hiện nay. Do đó, tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là giao cho UBND cấp tỉnh phụ trách thực hiện, đồng thời bổ sung quy định công chức làm công tác hộ tịch, không được tự thực hiện đăng ký hộ tịch cho bản thân và người thân trong gia đình để phòng ngừa tiêu cực, lạm quyền trong đăng ký hộ tịch.

Điều 10 quy định về hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ của nước ngoài. Theo dự thảo Luật quy định, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Theo tôi quy định như thế là chưa đầy đủ, đề nghị trong dự thảo Luật nên quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự tư pháp cho cá nhân đối với người nước ngoài về Việt Nam, hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thực hiện đăng ký các giấy tờ hộ tịch, khai sinh... tránh trường hợp công dân phải đi nhiều nơi, nhiều chỗ, rất mất thời gian.

Tại Điều 73, nhiệm vụ, quyền hạn của công chức làm công tác hộ tịch. Điểm d, khoản 1 quy định nhiệm vụ của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã gồm: chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức kiểm tra, xác minh về thông tin hộ tịch khi có yêu cầu; chủ động yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để phục vụ yêu cầu xác minh khi đăng ký hộ tịch; phối hợp với cơ quan công an cùng cấp trong việc cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tôi cho rằng, quy định nhiệm vụ của công chức tư pháp như dự thảo Luật là quá rộng so với quyền thực tế của công chức làm công tác tư pháp hộ tịch. Nếu tự bản thân cán bộ này đi xác minh mà không báo cáo xin ý kiến với lãnh đạo cùng cấp, kể cả khi xác minh bằng văn bản, không thông qua lãnh đạo thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, để bảo đảm công chức tư pháp hộ tịch thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền và tương xứng với cơ quan phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đề nghị bổ sung cụm từ báo cáo UBND cùng cấp vào sau cụm từ chủ động. Cụ thể như sau: ... chủ động báo cáo UBND cùng cấp phối hợp với cơ quan, tổ chức kiểm tra, xác minh về thông tin hộ tịch khi có yêu cầu

(Theo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác