Đại biểu Quốc hội Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh phát biểu ý kiến
Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 5 có quy định trong trường hợp hành vi quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm hại quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện Kiểm sát nhân dân vẫn phải kháng nghị.
Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi vì trong thực tiễn công tác kiểm sát cho thấy có những bản án hình sự, tòa án áp dụng hình phạt không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, tức là áp dụng khung hình phạt thấp hơn khi không có các tình tiết giảm nhẹ. Nói tóm lại là xử nhẹ hơn mức mà chúng ta muốn và luật pháp quy định. Không xâm phạm quyền lợi của ai, cũng không xâm phạm lợi ích của ai, của con người cụ thể nào. Trong các trường hợp này, Viện Kiểm sát phải kháng nghị và trách nhiệm của Viện Kiểm sát phải kháng nghị. Do đó, chúng tôi đề nghị đoạn này, tại khoản này cần sửa lại như sau: Trong trường hợp hành vi quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, có vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành xâm phạm quyền của con người, của công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì Viện Kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Như chúng tôi nói trên, quy định như vậy mới bao hàm đầy đủ tất cả các trường hợp mà cần thiết phải kháng nghị.
Về nội dung thứ hai, chúng tôi xin tham gia một ý như sau:
Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3, chúng tôi đề nghị sửa lại đoạn đầu quy định như sau: Yêu cầu khởi tố, khởi tố các vụ án khi yêu cầu khởi tố không được thực hiện, hủy bỏ các quyết định khởi tố vụ án trái pháp luật. Quy định như vậy để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ hơn đối với quyền yêu cầu khởi tố, quyền khởi tố, khi yêu cầu khởi tố không được các cơ quan điều tra thực hiện theo yêu cầu của Việt kiểm sát nhân dân.
Thứ ba, tại Điều 14 chúng tôi đề nghị xem xét, bổ sung một quy định hết sức quan trọng về thẩm quyền của Việt kiểm sát nhân dân. Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố tất cả các vụ án khi yêu cầu khởi tố các vụ án của Viện kiểm sát nhân dân không được các cơ quan điều tra thi hành. Có quy định như vậy tại Điều 14 mới đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh chống bỏ lọt tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội.
Tại Khoản 5, Điều 14 quy định trực tiếp ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp khác, hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là trùng lặp, vì nội hàm khái niệm các biện pháp ngăn chặn đã bao gồm các biện pháp bắt, tạm giam, tạm giữ. Do đó, đề nghị bỏ cụm từ "biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam" để đúng và phù hợp với quy định của pháp luật ở các luật chuyên ngành khác. Tương tự như vậy, chúng tôi đề nghị tại Khoản 1, Điều 16 cũng bỏ cụm từ "biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam" và đề nghị cơ quan soạn thảo rà lại tất cả điều khoản trong luật này, chỗ nào có quy định như vậy thì đều bỏ cụm từ đó cho thống nhất.
Thứ tư, chúng tôi đề nghị xem xét, bổ sung nội dung quyết định tại Khoản 1, Điều 6 quy định về công tác của Viện kiểm sát nhân dân, cụ thể là bổ sung Điểm g, Khoản 1 kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân. Vì tại Điều 4 Pháp lệnh số 09 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/1/2014 vừa qua có quy định công tác này của Viện kiểm sát nhân dân nên chúng tôi đề nghị bổ sung vào Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định này để đảm bảo toàn diện hơn, đầy đủ hơn.
Cuối cùng, chúng tôi đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 9 về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân vì các lý do sau: Điều 9 có hai khoản, nội dung của 2 khoản này trùng nhau về cơ bản. Các nội dung nêu trong đó đều là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà đã là cơ quan, tổ chức, cá nhân thì theo chúng tôi bao hàm trong đó có cơ quan điều tra, các cơ quan được giao một số nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra, có cơ quan tòa án tức là cơ quan xét xử và có cơ quan thi hành án. Chúng tôi thấy tách hai nội dung của hai khối cơ quan như vậy là không cần thiết, tất cả đều là cơ quan, tổ chức, đều chấp hành kháng nghị, kiến nghị, quyết định, yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân và có quyền kiến nghị, yêu cầu khiếu nại, tố cáo với các hành vi, quyết định trái pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét để có thể nhập 2 khoản này vào một khoản để diễn đạt trong sáng hơn, tránh trùng lặp không cần thiết.