Trước hết, dự thảo trình Quốc hội kỳ này Ban soạn thảo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu rất đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau qua các kỳ thảo luận. Dự thảo lần này đã làm rõ và phân định cụ thể chức năng nhiệm vụ thực hành quyền công tố, rồi chức năng kiểm soát tư pháp trong từng hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Dự thảo đã cụ thể hóa các quan điểm của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về kiểm sát quyền lực, nhất là kiểm sát quyền lực trong các hoạt động tư pháp.
Mọi hoạt động tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử thi hành án đều được kiểm soát. Bên cạnh đó dự thảo luật cũng tăng cường trách nhiệm và phạm vi của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát điều tra. Trong nhiệm vụ của cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao, Viện kiểm sát trực tiếp khởi tố, điều tra các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp, do cán bộ và những người thuộc cơ quan tư pháp thực hiện. Trực tiếp khởi tố, yêu cầu điều tra đối với những trường hợp có dấu hiệu oan sai hoạc bỏ lọt tội phạm trong giai đoạn kiểm sát điều tra.
Đặc biệt dự thảo lần này đã bỏ chế định về Viện kiểm sát khu vực, cũng như là Tòa án khu vực, giữ nguyên hệ thống tổ chức tòa án nhân dân và Viện kiểm sát cấp huyện như hiện nay. Tôi cho đây là một chủ trương rất sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong thời điểm hiện nay như báo cáo giải trình đã phân tích. Tuy vậy, trong nội dung cụ thể của dự thảo luật lần này tôi xin góp một vài ý kiến sau.
Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật đã đưa ra định nghĩa hay khái niệm về chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân là thực hiện việc buộc tội của nhà nước đối với người phạm tội. Theo tôi nên sửa lại là thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc truy tố của nhà nước. Việc truy tố của nhà nước đối với người phạm tội ra trước tòa án để xét xử. Vì theo quy định tại các điều từ Điều 12, 13, 14, 15, 16 về nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong các giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm gGiai đoạn điều tra, truy tố để hướng tới một quyết định quan trọng nhất của Viện kiểm sát nhân dân là quyết định truy tố người phạm tội ra trước Tòa án nhân dân để xét xử.
Viện kiểm sát có trách nhiệm rất nặng nề trong việc xác định người phạm tội là ai, có phạm tội hay không, phạm tội gì, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các tình tiết không chỉ để buộc tội mà phải xác định cả những tình tiết để gỡ tội, tình tiết giảm nhẹ, các tình tiết về nhân thân, tiền án, tiền sự, về những thành tích công lao, cống hiến v.v... của gia đình và người phạm tội, nhằm giúp cho Hội đồng xét xử đưa ra những phán quyết chính xác về tội phạm. Có trường hợp Viện kiểm sát không những không thể truy tố được mà còn phải ra các quyết định khác như quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ. Nếu quyết định truy tố của Viện kiểm sát không đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hay nói khác là nếu truy tố oan, sai người phạm tội thì Viện kiểm sát phải xin lỗi, phải bồi thường, thậm chí phải chịu trách nhiệm cả về hình sự theo Luật bồi thường nhà nước và Luật hình sự.
Nhà nước giao cho Viện kiểm sát quyền truy tố là cơ quan duy nhất được nhân danh nhà nước thực hiện quyền này, khác với quyền truy tố ở một số hoạt động khác, tại phiên tòa kiểm sát viên là người nhân danh nhà nước công bố quyết định truy tố kèm theo bản cáo trạng để thực hiện tranh tụng tại phiên tòa, nhằm làm rõ hành vi, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đồng thời cũng làm rõ các tình tiết để xem xét, khoan hồng, giảm nhẹ tội phạm cho người phạm tội.