Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng phát biểu ý kiến
Như chúng ta đã biết, trong các luật tổ chức thì Luật tổ chức Quốc hội nói đến vai trò, vị trí của đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Tòa án thì nói đến đội ngũ thẩm phán và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì nói đến đội ngũ kiểm sát viên. Đây là lực lượng nòng cốt. Nhưng người ta vẫn thường nói Hội đồng xét xử mới là một đạo luật biết nói, còn một đạo luật là một phiên tòa đã câm, đang câm và mãi mãi câm. Bởi luật pháp không làm được gì mà phải do con người đưa vào cuộc sống, vận dụng vào cuộc sống. Luật pháp cũng như một tấm vải, có tấm vải đẹp không phải có bộ quần áo đẹp ngay. Luật pháp chúng ta làm đẹp cũng không phải đã đưa vào cuộc sống được mà phải do người cắt may, cũng như người thi hành luật pháp. Tôi cho rằng vị trí, vai trò của những cơ quan này hết sức quan trọng, bởi vì chúng ta thấy chúng ta có làm luật pháp tốt mấy nhưng đội ngũ này nếu chúng ta không được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng thì dù luật pháp làm tốt đến đâu nó vẫn làm xấu. Nhưng nếu luật pháp chúng ta có kém đi chút nhưng đội ngũ này trong sáng, tôi cho rằng họ sẽ giải quyết được mọi vấn đề êm thắm và nhân dân sẽ tin tưởng. Bây giờ tình trạng luật pháp của chúng ta một rừng luật nhưng vì sao cán bộ mình lách luật vẫn làm sai, bởi vì tâm không trong sáng, không làm được. Cho nên tôi đề nghị trong luật này tôi đề cao vai trò, vị trí của kiểm sát viên, của Luật tổ chức tòa án thì vai trò của thẩm phán và kiểm sát viên, đây là đội ngũ hết sức cần thiết.
Vậy có mấy ngạch cho phù hợp, theo tôi thấy ngạch kiểm sát viên này tôi đồng tình là 4 ngạch: kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên trung cấp và kiểm sát viên. Tôi đi rất nhiều nơi, anh em rất than phiền nói rất nhiều lần rồi nhưng sao không tiếp thu. Trong kiểm sát viên sơ cấp, anh em người ta nói là tôi cũng học đại học luật ra cũng như mấy ông kia, bây giờ gọi tôi là kiểm sát viên sơ cấp. Theo tôi không nên, đề nghị kiểm sát viên sơ cấp mà gọi là kiểm sát viên, kiểm sát viên trung cấp và kiểm sát viên cao cấp và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cũng như tòa án, tôi đề nghị không có thẩm phán sơ cấp mà chỉ có thẩm phán và thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp. Anh em ở dưới cấp huyện rất tâm tư, tôi nói đội ngũ cán bộ thẩm phán ở cấp huyện ngày xưa mình cho xử đến 2 năm, sau đó nâng lên 5 năm, cuối cùng nâng đên 7 năm, vừa rồi nâng đến 15 năm xét xử hết, bây giờ vẫn cứ gọi là sơ cấp, người ta làm nhiệm vụ cả trung cấp làm được hết. Tôi đề nghị không nên dùng từ kiểm sát viên mà chỉ không nên sơ cấp mà chỉ đề nghị là kiểm sát viên. Thứ nhất tôi đề nghị như vậy.
Việc thi tuyển chọn tôi đồng tình, tôi đề nghị phải thi, bởi vì chúng ta biết ngay cả đại biểu Quốc hội cũng phải thi chuyên viên cao cấp, vị trí của đại biểu Quốc hội hết sức quan trọng nhưng vẫn phải đi thi chuyên viên. Nghị sỹ thực ra mà nói người ta nói là chính khách rồi nhưng vẫn phải đi thi chuyên viên, bởi vì trong hệ thống chính trị của chúng ta khác với các nước, cho nên không có quy định riêng. Nên tôi nghĩ kiểm sát viên cũng phải thi và thẩm phán cũng phải thi, tôi đồng tình với phương án này.
Thứ hai, theo tôi còn việc nhiệm kỳ của kiểm sát viên bao nhiêu năm. Theo tôi nghĩ kiểm sát viên vừa là chức danh pháp lý nhưng đồng thời cũng là một nghề. Theo hướng cải cách trước đây, tôi đọc Nghị quyết 49 nêu rất rõ: một là có thời hạn dài hơn hoặc suốt đời. Tôi nghiêng về phương án bổ nhiệm suốt đời để cho anh em yên tâm. Bây giờ một đồng chí đã thi trúng rồi, thi đậu rồi lại không chắc được xét tuyển làm kiểm sát viên, bởi vì kiểm sát viên có số lượng mà người ta xét chỉ có hạn. Chính vì vậy phải qua một đợt tuyển chọn nữa mới được bổ nhiệm là kiểm sát viên hoặc thẩm phán. Bây giờ mình lại quy thời hạn là không cần thiết. Tôi đề nghị bổ nhiệm suốt đời. Tôi cho rằng đội ngũ của chúng ta đã được sát hạch, nếu anh nào có sai thì chúng ta kỷ luật. Bao nhiêu cán bộ làm sai chúng ta kỷ luật, để anh em yên tâm công tác làm nhiệm vụ này. Tôi biết hiện nay thẩm phán Tòa án tối cao vẫn còn rất nhiều người không được bổ nhiệm, rất nhiều cử tri viết thư cho tôi đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán Tòa án tối cao, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bây giờ rất nhiều thẩm phán Tòa án tối cao đến hạn bổ nhiệm nhưng không bổ nhiệm được do khoảng cách về luật mà chúng ta đang xây dựng. Cho nên người ta rất lo lắng, họ đã gửi thư cho tôi và tôi đề nghị nên nghiên cứu bổ nhiệm suốt đời.