ĐBQH PHẠM VĂN HÒA CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

27/05/2020

Trước thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn khó nhân rộng, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp để thu hút nhà đầu tư vào việc ứng dụng công nghệ cao.

Chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua nhiều nông dân, doanh nghiệp áp dụng bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, rất khó nhân rộng vì chưa thật sự thu hút doanh nghiệp đầu tư, chưa tạo ra sự liên kết làm cầu nối cho thị trường tiêu thụ, giá thành sản phẩm cao khó cạnh tranh. Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi về nguyên nhân của thực trạng này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp để việc ứng dụng công nghệ cao thu hút được nhiều nhà đầu tư, sản phẩm đủ sức cạnh tranh, được người tiêu dùng chấp nhận ngày càng nhiều.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, xác định khoa học công nghệ là then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở ba trục sản phẩm, gồm: (i) nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; (ii) nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; (ii) nhóm sản phẩm địa phương (OCOP). Theo đó, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng KHCN rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra,.. rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã được hoàn thành trong vài năm gần đây; ở nhóm sản phẩm OCOP đã kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ nên sản phẩm rất đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.

Ở cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 575/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến nay đã có 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng ký quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 08 Khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án.

Cấp địa phương, căn cứ các tiêu chí quy định, cả nước đã có 09 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận, có 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập; và 45 Doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có tổng số 199 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (chiếm 1,7% tổng số HTX nông nghiệp). Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi) Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam Việt (cá tra), Vingroup, Ba Huân , nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã chủ động nhập khẩu các công nghệ mới, giống mới, làm chủ công nghệ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến sâu, xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 125 chuỗi với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác và trên 13.000 hộ nông dân.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 53.000 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 38.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dư nợ hơn 34.000 tỷ đồng.

Cùng với xu thế chung, tỉnh Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhu cầu thị trường. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao (mô hình sản xuất nhãn, chanh theo VietGAP; mô hình nhà màng trồng hoa, cơ giới hóa trong sản xuất lúa; ứng dụng hệ thống tưới phun, điều khiển tự động, rải vụ trên cây xoài...).

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tại, hạn chế như: chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn; thiếu vắng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp làm cầu nối cho sản xuất và thị trường; việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩn nông nghiệp chưa được chủ trọng nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập CPTPP và EVFTA như đại biểu đã nêu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về nguyên nhân của tồn tại hạn chế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, do quy mô đất đai cho sản xuất manh mún, khó khăn cho việc ứng dụng Công nghệ cao, cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp dân đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.

Các chính sách hiện có chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, thủ tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, vay vốn tín dụng của các tổ chức ngân hàng thương mại còn nhiều; liên kết giữa “4 nhà” còn yếu và thiếu bền vững.

Các hộ dân sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thiếu thông tin đầy đủ về thị trường tiêu thụ; hoạt động nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập.

Về Giải pháp khắc phục trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì cơ chế đầu tư công tư (PPP) sẽ là đột phá lớn nhất thúc đẩy ứng dụng và lan tỏa công nghệ cao trong nông nghiệp, do vậy cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế luật PPP.

Đồng thời, đẩy nhanh hơn giải pháp liên kết 4 nhà, nhất là việc phối hợp chặt chẽ có hiệu quả tiến bộ khoa học khu vực nhà nước với khu vực tư nhân mà hạt nhân là các doanh nghiệp lớn.

Về vốn: Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ caotiếp cận các nguồn lực, thực thi việc xác nhận quyền tài sản trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn...

Về nhân lực: Lồng ghép kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vào hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông; đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân...

Về đất đai: Có chính sách khuyến khích quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn; đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai...

Về thị trường tiêu thụ: Ôn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng thương hiệu nông sản, thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Về khoa học công nghệ: nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học công nghệ công lập, liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất; hoàn thiện các chính sách về thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ./.

Bảo Yến