ĐBQH NGUYỄN THANH QUANG: PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI, TĂNG NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM

27/05/2020

Tham gia thảo luận về kết quả giám sát tối cao về chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Thanh Quang, Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng, bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát của Quốc hội, đánh giá nội dung báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình xâm hại trẻ em trên phạm vi cả nước.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang, Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng, trả lời phỏng vấn báo chí

Đại biểu nhận định, theo báo cáo giám sát, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại với các hình thức như xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em… Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tỷ lệ cao nhất với 75,38% số vụ và 73,85% số trẻ em bị xâm hại. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018. Tuy nhiên đây mới chỉ là những vụ được phát hiện và xử lý, trên thực tế chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều hơn.

Con số này khiến đại biểu rất băn khoăn bởi thời gian qua các cơ quan nhà nước không ngừng tăng cường các giải pháp nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, từ hoạt động xây dựng pháp luật, tăng cường nhiều cơ chế giám sát; đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện các chương trình có liên quan đến trẻ em, nhưng các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn không ngừng tăng lên.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề nghị cần phải nhìn nhận lại, đánh giá lại những việc ta đã làm có hiệu quả, những nhiệm vụ nào chưa thực hiện tốt thì cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn. 

Đồng tình với những tồn tại, nguyên nhân và giải pháp đề xuất trong báo cáo cũng như qua các ý kiến phát biểu, nhất là ý kiến của đại biểu Lưu Thành Công,  đại biểu Nguyễn Thanh Quang bổ sung thêm một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là chúng ta đã xây dựng hệ thống pháp luật chưa sát với thực tiễn hoặc các cơ quan đơn vị thực thi pháp luật không nghiêm. Cụ thể: Trong báo cáo có nêu 54 UBND cấp tỉnh không ban hành kế hoạch triển khai Luật trẻ em; 49 tỉnh thành Hội đồng nhân dân các cấp chưa ban hành Nghị quyết để thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em. Đại biểu lấy ví dụ: Luật trẻ em được Quốc hội ban hành ngày 5 tháng 4 năm 2015, trong đó Điều 53 nêu rõ 6 trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã là “đánh giá nguy cơ và xác định các nhu cầu của trẻ em cần được bảo vệ; Tham gia quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; Tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý và các nguồn trợ giúp khác; Tư vấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình, cộng đồng; Kiến nghị biện pháp chăm sóc thay thế và theo dõi quá trình thực hiện; Hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng” theo quy định tại Điều 72 của Luật này. Sáu  nội dung nêu trong điều luật rất rõ ràng cụ thể, nếu nghiêm túc thực thi chắc chắn sẽ đóng góp hiệu quả trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhưng thực tế hiện nay thì một phường xã chỉ có từ 1/3 đến 1/4 người để làm công tác trẻ em (1/3 đến 1/4 được hiểu là 1 cán bộ làm công tác xã hội kiêm đến 3, 4 nhiệm vụ từ giảm nghèo, dân số, gia đình, trẻ em).

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Quang cũng băn khoăn, với  thu nhập hàng tháng của mỗi người chỉ khoảng 1,7 triệu đồng, câu hỏi đặt ra là có ai được đào tạo đủ kiến thức và kỹ năng như vậy chịu làm cán bộ công tác xã hội ? Và nếu có thì cán bộ đó có đủ khả năng để thực hiện được những nội dung đã ghi trong điều luật này cộng với các nhiệm vụ công tác khác hay không?

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thanh Quang đưa ra một số kiến nghị giải pháp:

Một là, cần tổ chức những cuộc tập huấn liên ngành về quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ, trẻ em bị xâm hại, bạo hành theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Đối tượng tập huấn không chỉ gồm những cán bộ cơ sở mà cả cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp; không chỉ cho các cơ quan thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội mà cả các cơ quan y tế, giáo dục, công an, tư pháp, kiểm sát, tòa án, trợ giúp pháp lý, các đoàn thể và các tổ chức dịch vụ.

Hai là, cần tăng cường sự tham gia của cộng tác viên công tác xã hội trong xây dựng kế hoạch can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em.

Ba là, cần quan tâm phân công, bố trí đội ngũ cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán các cấp có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý trẻ em để thực hành điều tra, công tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em; thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ này để giải quyết hiệu quả những vụ việc liên quan đến trẻ em.

Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội và Chương trình bảo vệ trẻ em để từng bước tăng cường nguồn lực con người cho công tác phòng ngừa, giải quyết xâm hại trẻ em, đặc biệt là ở cấp cơ sở thông qua việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác trẻ em cấp xã và cộng tác viên công tác xã hội.

Năm là, cần tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp thông qua phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đặc biệt ở tuyến huyện, mô hình chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật.  

Sáu là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa xâm hại trẻ em, đóng góp thực hiện các giải pháp về tăng năng lực cho trẻ trong phòng chống xâm hại, bạo lực, tăng cường kỹ năng làm cha mẹ tích cực, tham vấn tư vấn v.v. với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và đoàn thể: Lồng ghép nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em với các phong trào khác của các ban, ngành, đoàn thể.

Bảy là, cần đặc biệt quan tâm phòng chống xâm hại trẻ em tại các địa bàn đã xảy ra bạo lực, xâm hại, hoặc các địa bàn có các đặc điểm tương tự. Cần tăng cường và thường xuyên kiểm tra các cơ sở nuôi trẻ, nhất là các cơ sở tự phát về năng lực và đạo đức của các bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ.

 Tám là, về lâu dài, cần tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác trẻ em, đặc biệt ở cấp huyện, quận, xã, phường. Việc tiếp tục điều chỉnh, kiện toàn chính sách về bảo vệ trẻ em là hết sức quan trọng để đảm bảo mọi trẻ em được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại, bóc lột, và được tiếp cận đến các dịch vụ hỗ trợ toàn diện. Phát triển nghề công tác xã hội là một giải pháp để hình thành dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp.

Nguyễn Hùng – Việt Hà