ĐBQH ĐIỂU HUỲNH SANG THAM GIA Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

29/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tạ phiên họp.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng có sự chồng chéo trong dự thảo Luật này với Luật phòng, chống ma túy. Cụ thể, khoản 56 Điều 1 của dự thảo luật quy định đối tượng áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tại Luật Phòng, chống ma túy lại quy định “người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc đang có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”. Vấn đề là đối với nhóm đối tượng này sau khi đã cho tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng vẫn không có kết quả, tái nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì có phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay không.

Nội dung này cũng đã được quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 54 Điều 1 của dự thảo, đó là áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và theo quy định tại Điều 91 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chủ yếu nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu mục đích này có phù hợp với đối tượng là người nghiện ma túy mà biện pháp xử lý hành chính cần áp dụng nhằm mục đích cai nghiện là chủ yếu hay không? Hơn nữa, để điều trị và phòng ngừa cai nghiện ma túy hiệu quả, cần thực hiện theo phác đồ khoa học mang tính đặc thù để phù hợp với tình trạng nghiện cũng như tâm lý, độ tuổi của từng đối tượng nghiện.

Mặt khác, nhóm đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, xét về năng lực hành vi là chưa đầy đủ, rất cần có người giám hộ. Tuy nhiên, trên thực tế cũng với nhóm đối tượng này khi nghiện ma túy cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy và hậu quả khôn lường gây ra cho người thân, gia đình và xã hội. Từ thực tiễn với những đặc thù trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở dành riêng cho nhóm đối tượng này, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan về đánh giá hiệu quả cai nghiện tự nguyện và các tiêu chí xác định đối tượng nghiện không có nơi cư trú nhất định.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành tố tụng, giải quyết các loại vụ án tại Tòa án trong những năm gần đây, nhất là diễn biến tại phiên tòa công khai ngày càng xuất hiện nhiều hành vi cản trở hoạt động tố tụng cũng làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự nói chung và an ninh trật tự phiên tòa, cũng như hình ảnh, uy tín của Tòa án nói riêng. Pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hiện nay có quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa. Theo đó các hành vi cản trở hoạt động tố tụng ngày càng đa dạng, tinh vi, đòi hỏi các quy định của pháp luật có thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hình thức xử phạt đối với các hành vi này cũng phải phù hợp để thuận tiện trong việc áp dụng và thi hành, cưỡng chế thi hành. Trong khi đó, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Điều 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt hành chính của Tòa án gồm có phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i, k của khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và đối chiếu quy định này với pháp luật tố tụng cho thấy còn có sự chưa thống nhất về phạm vi thẩm quyền, về hình thức xử phạt, chẳng hạn như theo pháp luật tố tụng thì Tòa án có thể xử lý, buộc chấm dứt hành vi vi phạm bằng hình thức buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án, trong khi đó thì Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không quy định hình thức xử phạt này. Hơn nữa, về trình tự, thủ tục xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành xử phạt hành chính của tòa đối với các hành vi cản trở hoạt động của tố tụng hành chính cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc áp dụng quy định này trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án đang được các cơ quan có thẩm quyền dự thảo với hình thức pháp lệnh và đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp. Do vậy đạ biểu đề nghị Ban soạn thảo có một khoản hoặc một điều riêng quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện, quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 77 cũng có quy định là đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt. Hai quy định này hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, nên áp dụng vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo được tính chặt chẽ cũng như là tính chính xác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung vào dự thảo luật về trình tự thực hiện các quy định trên hoặc giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện vấn đề trên để có cơ sở áp dụng trong thực tiễn được dễ dàng hơn./.

Bùi Hùng