Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh vừa chủ trì Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 42 nữ đại biểu đại diện cho nghị viện các nước thành viên AIPA và Ban Thư ký AIPA. Tại Hội nghị, các nước đã thảo luận trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, bình đẳng và thông qua dự thảo Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực. Chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, đạt được việc làm đầy đủ, năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới, trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm 2020 và những năm trước đây, những số liệu mới cập nhật của ILO cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ. Do đó, việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cũng cho biết, với nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng khẳng định trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới được thực hiện thực chất và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Để hiểu hơn về ý nghĩa của việc các nước thành viên AIPA thông qua Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ” cũng như cần có những việc làm thiết thực để thực hiện Nghị quyết, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại diện cho Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sĩ Aipa 41, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa.
Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41.
Phóng viên: Là đại diện cho Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41, đại biểu có thể cho biết những vấn đề nào được các nữ nghị sĩ quan tâm nhất trong Hội nghị và nội dung nào trong thời gian tới cần được đẩy mạnh thực hiện?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa: Mặc dù mỗi nước trong khu vực ASEAN đều có những đặc thù riêng về văn hóa, xã hội và sự phát triển kinh tế khác nhau nhưng tại Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41, tất cả các nước đều thống nhất rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động rất lớn đến thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng. Hầu hết các nước đã rất chủ động để phòng chống, ngăn chặn đại dịch nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến lao động và việc làm, đặc biệt là với lao động nữ.
Trong Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41, các đại biểu quan tâm và thảo luận nhiều lần đến nội dung phân bổ nguồn lực của mỗi quốc gia cho vấn đề giải quyết lao động và việc làm nói chung, trong đó có lao động nữ trước và sau đại dịch Covid-19. Theo ý kiến đề xuất của các đoàn, Chính phủ mỗi nước cần có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp để duy trì và tạo việc làm cho lao động, trong đó có lao động nữ. Còn vai trò của các nữ nghị sĩ là phải tăng cường tham mưu, giám sát sự phân bổ nguồn lực của Chính phủ trình lên Quốc hội đối với việc tạo việc làm cho lao động đã được hay chưa để từ đó có những giải pháp kịp thời.
Phóng viên: Những nội dung mà đoàn Việt Nam được đưa ra Hội nghị đã được các nước quan tâm cho ý kiến như thế nào, thưa đại biểu?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa: Những nội dung mà đoàn Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41 như: phòng chống đại dịch Covid-19, tạo việc làm cho lao động nữ, bình đẳng giới... đã được các nước thảo luận, cho ý kiến sôi nổi để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đúng như ý nghĩa ban đầu được đề ra. Đó là các nữ nghị sĩ trong khối ASEAN phải đoàn kết, chủ động thích ứng với những tình huống bất ngờ xảy ra như đại dịch Covid-19.
Phóng viên: Tại Hội nghị, các nữ nghị sĩ đã tham gia góp ý nhiều về giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là việc làm cho lao động nữ. Theo đại biểu, sau khi Nghị quyết đã được thông qua, các quốc gia cần phải làm gì để hỗ trợ lao động nữ vượt qua khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra cũng như giải quyết việc làm cho họ?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa: Tới đây, Nghị viện của các nước sẽ có những việc làm, hành động theo Nghị quyết. Theo đó, mỗi nghị sĩ của các nước cần quan tâm hơn tới việc đưa ra những giải pháp đối phó với dịch bệnh, hỗ trợ và giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nữ. Ngoài ra, Quốc hội các nước cần quan tâm tới nguồn lực hỗ trợ cho lao động yếu thế, hỗ trợ đối với một số ngành nghề, xây dựng chính sách lâu dài nhằm khắc phục bất bình đẳng giữa lao động nam và nữ.
Mỗi nước đều có những đặc thù khác nhau về việc làm đối với lao động nữ nhưng các nước thành viên AIPA cần có tiếng nói chung là mỗi đại biểu Quốc hội, nghị sĩ cần quan tâm hơn và có trách nhiệm trong giải quyết việc làm cho lao động của nước mình, trong đó có lao động nữ thông qua giám sát, quyết định phân bổ ngân sách...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa.
Phóng viên: Tại Hội nghị, các nước đã thông qua Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”. Xin đại biểu cho biết, Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy bình đẳng giới?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa: Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa rất lớn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới. Đất nước Singapore vừa thực hiện bầu cử. Kết quả cho thấy, Quốc hội nước này có tới gần 30% đại biểu là nữ giới. Việc Quốc hội có nhiều đại biểu là nữ giới có vai trò rất lớn trong quản lý, thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam đã có Luật Bình đẳng giới nên đã góp phần giảm khoảng cách, sự phân biệt giữa lao động nam và nữ ở các dự án luật, trong đó có lĩnh vực việc làm và thu nhập.
Hy vọng rằng, việc Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41 thông qua Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ” sẽ góp phần giúp các nước thành viên AIPA, trong đó có Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn bình đẳng giới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Về cơ bản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa khẳng định: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động rất lớn đến thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng. Hầu hết các nước đã rất chủ động để phòng chống, ngăn chặn đại dịch nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề lao động và việc làm, đặc biệt là với lao động nữ. Vì vậy các nữ nghị sĩ cần có tiếng nói, tham mưu với Chính phủ để giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có lao động nữ trước đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA 41, các nước đều tập trung thảo luận và đánh giá cao những nội dung mà Việt Nam nêu như: đối phó với dịch bệnh Covid-19, tạo việc làm cho lao động nữ, bình đẳng giới... Thông qua Hội nghị, các nữ nghị sĩ đều cho rằng, các nước thành viên cần đoàn kết, hợp tác, cùng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ cho lao động nữ và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời các Nghị viện thành viên và các nghị sĩ cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc hoạch định, hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ thông qua giám sát, quyết định phân bổ ngân sách.../.