ĐBQH NGUYỄN MẠNH CƯỜNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

03/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng cần có quy định để Luật Cư trú phù hợp với Bộ luật Dân sự và có hướng dẫn cụ thể về quy định nơi thường xuyên sinh sống.

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao và bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Đại biểu tán thành với việc dự thảo sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú, chuyển từ quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng dữ liệu điện tử, bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đây là phương thức quản lý hiện đại, là xu hướng của cách mạng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, vì vậy để tránh tình trạng gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân, rất cần một giai đoạn chuyển tiếp, từ sau khi luật có hiệu lực cho đến khi bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vì lý do trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tán thành phương án 1 do Thường vụ Quốc hội trình là từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy thì tiếp tục được sử dụng cho đến ngày 31/12/2022.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cân nhắc một số vấn đề như sau.

Thứ nhất, về khái niệm nơi cư trú của công dân tại Điều 11 dự thảo. Dự thảo do Chính phủ trình có quy định rằng nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú. Dự thảo được chỉnh lý thì có sửa lại là nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Với việc chỉnh lý như trên, xem toàn văn cả khoản 1 và khoản 2 Điều 11 thì vẫn có thể hiểu rằng đây là quy định về nơi cư trú, là quy định để xác định nơi cư trú của công dân. Theo đại biểu, quy định này thì có một số vấn đề bất cập như sau:

Một là, không bảo đảm tính rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Nếu nơi cư trú bao gồm cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì nếu một cá nhân vừa có nơi thường trú, vừa có nơi tạm trú như dự thảo luật thì nơi cư trú của cá nhân sẽ được xác định là nơi nào? Trong quan hệ pháp luật dân sự thì việc xác định nơi cư trú của một cá nhân rất là quan trọng trong việc xác định các quyền, nghĩa vụ của họ trong việc tống đạt các giấy tờ hoặc trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án để giải quyết tranh chấp, v.v.. Vì vậy, cần phải xác định rõ là cá nhân đó phải có một nơi cư trú.

Hai là, quy định này không bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự xác định nơi cư trú của cá nhân là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống và nếu không có nơi thường xuyên sinh sống thì là nơi cá nhân đó đang sinh sống. Dự thảo bỏ yếu tố thường xuyên sinh sống trong xác định nơi thường trú và nơi tạm trú. Trong Báo cáo tổng kết của Chính phủ có nêu rằng việc xác định nơi thường xuyên sinh sống gặp khó khăn. Địa phương xác định là từ 2 đến 4 tuần, có địa phương xác định là 9 tháng trong 1 năm mới là nơi thường xuyên sinh sống. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng đây không phải lý do để bỏ nội dung này trong khái niệm nơi cư trú dẫn đến việc xác định nơi cư trú giữa Luật Cư trú và Bộ luật Dân sự có sự khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Vì vậy đại biểu đề nghị cần có quy định để Luật Cư trú phù hợp với Bộ luật Dân sự và có hướng dẫn cụ thể về nơi thường xuyên sinh sống. Hoặc nếu thấy cần thiết phải sửa Bộ luật Dân sự để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra cũng có những quy định khác của Luật Cư trú không thống nhất với Bộ luật Dân sự như quy định về nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu thuyền. Bộ luật Dân sự quy định nơi cư trú của những người này là nơi đăng ký tàu thuyền quy định tại Điều 45. Tuy nhiên Điều 19 của dự thảo luật lại quy định rằng nơi cư trú của những người này là nơi tàu thuyền thường xuyên đậu đỗ. Các điều luật của dự thảo luật được chỉnh lý cũng chưa thống nhất, trong khi nơi cư trú của công dân được chỉnh lý theo hướng quy định nơi thường trú, tạm trú không có yếu tố thường xuyên sinh sống thì quy định về nơi cư trú của vợ, chồng vẫn giữ nguyên quy định của Bộ luật Dân sự; vẫn giữ lại yếu tố là nơi vợ chồng thường xuyên sinh sống.

Về điều kiện đăng ký thường trú tại Điều 20, dự thảo quy định về điều kiện đăng ký thường trú chung cho tất cả các địa phương, không phân biệt giữa các tỉnh với các thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy so với quy định hiện hành, việc công dân đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương thì điều kiện sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, đối với 58 tỉnh điều kiện sẽ được quy định chặt chẽ hơn và được nâng lên, chẳng hạn như bổ sung quy định về thời gian đăng ký tạm trú hoặc yêu cầu bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu. Đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá tác động của vấn đề này vì hiện nay đăng ký thường trú là điều kiện để thực hiện rất nhiều quyền và nghĩa vụ của công dân đã được một số luật quy định. Ví dụ như Luật Luật sư quy định rằng công dân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, hoặc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp đất, giao đất một số trường hợp cũng quy định phải có hộ khẩu thường trú, v.v..

Về đăng ký thường trú tại khoản 2 Điều 20, dự thảo có kế thừa quy định của luật hiện hành và có bổ sung. Tuy nhiên, nội dung tại khoản 2 có một số điểm cần làm rõ, dự thảo bổ sung đối tượng người cao tuổi về ở với cháu ruột. Tuy nhiên, quy định này lại chưa rõ mối quan hệ ở đây là quan hệ giữa người cao tuổi với cháu ruột. Đó là quan hệ giữa ông với cháu hay là quan hệ giữa cô, dì, chú, bác với cháu ruột. Vì đây là hai đối tượng thuộc hai phạm vi hàng thừa kế khác nhau, nên đại biểu đề nghị cần quy định rõ điều này. Đại biểu bày tỏ quan điểm chỉ nên giới hạn giữa ông, bà về ở với cháu ruột.

Quy định về người khuyết tật mất khả năng lao động tại điểm b cũng chưa rõ và chưa hợp lý. Đại biểu băn khoăn điểm này quy định về một người với 2 điều kiện hay là quy định về 2 loại người khác nhau? Đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc xác định điều kiện là người khuyết tật, vì theo quy định của Luật Người khuyết tật thì người khuyết tật có 3 loại, người khuyết tật nhẹ, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng. Người khuyết tật nhẹ, ví dụ như những người bị cận thị, đi khập khiễng, tay khèo, v.v. cũng gọi là người khuyết tật. Vậy nên, nếu đưa điều kiện này vào thì trong nhiều trường hợp không phù hợp. Trong trường hợp đưa điều kiện này vào, đại biểu đề nghị chỉ nên giới hạn là người khuyết tật, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Trong Luật Người khuyết tật cũng quy định chỉ với những người đó thì mới được hưởng các ưu đãi. Quy định về mất khả năng lao động cũng là một nội dung được quy định tại nhiều văn bản pháp luật, nhưng trên thực tế vẫn chưa có quy định cụ thể như thế nào là mất khả năng lao động.

Về khai báo tạm vắng, Điều 31 luật hiện hành quy định: "Bị can, bị cáo, người hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, v.v. đi khỏi nơi cư trú một ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng”. Luật Thi hành án hình sự cũng quy định về việc đi khỏi nơi cư trú, nhưng dự thảo lại quy định những người này đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã từ một ngày trở lên thì phải khai báo. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại sửa đổi nêu trên./.

Minh Hùng