Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại phiên họp
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cơ bản tán thành với nhiều nội dung Báo cáo, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp 10. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi, đại biểu đóng góp ý kiến về một vấn đề liên quan đến việc chuyển tiếp thực hiện luật. Đây cũng là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội. Đại biểu Trần Thị Dung thể hiện quan điểm tán thành cao với việc đổi mới hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang hình thức quản lý dưới dạng điện tử, thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đại biểu, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hoàn thiện về giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, còn giai đoạn kết nối của các cơ quan, tổ chức có liên quan để có thể khai thác được các cơ sở dữ liệu này phục vụ việc bỏ sổ hộ khẩu chưa được đánh giá cụ thể. Như vậy, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có rất nhiều thủ tục hành chính giao dịch không chỉ các cơ quan nhà nước và của người dân như đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông, v.v. sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong quá trình triển khai hoàn thiện.
Theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025 mới chỉ có 60% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối liên thông, 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9/2022 các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa các hệ thống thông tin để bảo đảm tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Như vậy, theo kế hoạch của Chính phủ, đến hết năm 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, những địa phương khó khăn, vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ nguồn lực kinh phí để hoạt động. Ngoài ra, trong thời gian này cả nước đang phải tập trung nguồn lực để đấu tranh với dịch COVID-19 hỗ trợ người dân ở khu vực miền Trung vượt qua bão, lũ lụt nên việc dành nguồn lực để bảo đảm hoàn thiện nhanh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, đặc biệt là việc đầu tư hạ tầng kết nối của các cơ quan, tổ chức có liên quan trên toàn quốc từ Trung ương đến tận cấp xã để bảo đảm việc khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 1/7/2021 là rất khó khăn và khó bảo đảm tính khả thi.
Theo đại biểu Trần Thị Dung, việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Do đó, cần phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện để tránh làm khó cho người dân. Quốc hội ban hành luật phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng khi thực hiện luật gặp khó khăn trên thực tế, việc sửa đổi lại không thể tiến hành một sớm, một chiều và cũng phải thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc một cách kỹ lưỡng để trình Quốc hội phương án một. Đại biểu Trần Thị Dung bày tỏ đồng ý với phương án này, đồng thời khẳng định rằng phương án 1 cũng không làm ảnh hưởng tới sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Công an trong việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu cơ sở quốc gia về cư trú, cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của luật. Theo đại biểu, thực hiện phương án 1 sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho người dân khi thực hiện đối với những dịch vụ hành chính./.