Đại biểu chia sẻ với mất mát của đồng bào miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua.
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020. Mặc dù có nhiều tác động bất lợi từ các yếu tố khách quan, như tình hình thế giới và khu vực biến động khó lường, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thương mại; đầu tư quốc tế trong nước giảm; biến đổi khí hậu gây thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở đồi núi, bờ sông, bờ biển, dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid 19… đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Đặc biệt, tình hình thiên tai, bão lũ chồng bão lũ liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung, thiệt hại nặng nề, gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Trung. Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng thường xuyên bị tác động bất lợi bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập lụt, xâm nhập mặn nên đại biểu bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Trung ruột thịt. Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào đồng tình và ủng hộ các giải pháp phòng, chống bão lũ mà Chính phủ đã đề ra và các hiến kế của đại biểu Quốc hội đã nêu tại Kỳ họp thứ 10, nhất là các giải pháp về di dân vùng đồng bào sống ven sườn núi đến nơi an toàn, hỗ trợ cây, con giống để đồng bào an cư, sớm ổn định cuộc sống.
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào cũng khẳng định, trên tinh thần lãnh đạo của Trung ương Đảng thông qua các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, với sự đồng hành của Quốc hội ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã xác định phương châm hành động kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả đã tạo nên sức lan tỏa, tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động từ Chính phủ đến các cấp, các ngành các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Sự đồng thuận và ý chí vươn lên của nhân dân khắp mọi miền trên cả nước đồng lòng, chung sức thực hiện mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế, từ đó đã tạo nên sức mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước trên 2% GDP. Các chính sách an sinh xã hội ban hành kịp thời, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Điều đó, tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng được phát huy, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta luôn đúng đắn.
Khắc phục điểm nghẽn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ nêu ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào kiến nghị Chính phủ khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hạ tầng giao thông và tình trạng hạn mặn diễn biến phức tạp, để đồng hành cùng các vùng, miền trong cả nước trong xu hướng phát triển.
Đại biểu cho biết, để hạ tầng giao thông được đồng bộ và thông suốt là sự mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới 80% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Mạng lưới đường bộ của vùng hình thành trên cơ sở 5 tuyến trục dọc và các tuyến trục ngang kết nối, đến nay mới có 40 km đường cao tốc. Tuy nhiên, các tuyến trục dọc vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, vì vậy tạo thành những điểm nghẽn thường xuyên gây ùn tắc giao thông, còn các tuyến trục ngang đã cơ bản hình thành nhưng quy mô và chất lượng đường còn rất yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải của các tỉnh trong vùng. Vì thế, đại biểu kiến nghị sớm đầu tư 3 dự án giao thông:
Một, dự án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nếu được đầu tư xây dựng theo hướng tiến mới, song song với quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến đường này đi qua 5 tỉnh, thành phố cực Nam của Tổ quốc là Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đồng thời, thống nhất ưu tiên đầu tư dự án thành phần 2, dài hơn 80km, đoạn đường quốc lộ 91C đến thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Dự án thứ 2 là dự án tuyến đường bộ ven biển nối liền Trà Vinh - Sóc Trăng, Bạc Liêu, với tổng chiều dài là 52km, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.700 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025; cơ cấu nguồn vốn, ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án liên vùng theo Nghị quyết số 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Dự án thứ ba, nghiên cứu sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề trong trung hạn, giai đoạn 2021-2025, nhằm kết nối cảng nước sâu Trần Đề đến trung tâm thành phố Cần Thơ, đi qua các tỉnh thành trong khu vực, kết nối với các trục dọc, như tuyến quốc lộ 1A, tuyến N1, giúp thúc đẩy kinh tế và giao thông giữa các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhau và với các tỉnh lân cận. Ngoài ra, dự án này còn kết nối với cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam. Khi hình thành sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa, góp phần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt và nâng cấp hạ tầng du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên một tầm cao mới.
Vấn đề thứ hai theo đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào, mùa khô năm 2020 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, được Chính phủ quan tâm, quyết liệt vào cuộc, cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống hạn, mặn nên mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể. Đặc biệt là Quyết định 504 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn mặn, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã kịp thời hỗ trợ cho 530 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương năm 2020 cho 7 địa phương để thực hiện các giải pháp cấp bách. Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 36 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô giai đoạn 2020-2021 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ đôn đốc triển khai sớm về vụ mặn năm 2021 đã đến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của hơn 70.000 hộ dân tại 7 tỉnh phía nam sông Hậu. Trước mắt là các dự án cấp bách như bơm nước, nạo vét cửa sông, kênh, mương trữ ngọt. Về lâu dài cần bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động, kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, xây dựng, hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, xây dựng hạ tầng thủy sản, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung tại 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng./.