Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia và những người lãnh đạo các nước cần phải quan tâm ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành, sắp xếp. Hoạch định chính sách pháp luật, điều phối các nguồn lực quốc gia làm sao cho khoa học, tiết kiệm chi phí vì mục tiêu phát triển bền vững.
Mặt khác ở Việt Nam có những đặc điểm hiếm nơi nào trên thế giới có được, đó là nguyền tài nguyên thiên nhiên phong phú, có rừng, có biển, có truyền thống lịch sử hàng ngàn năm anh hùng bất khuất, có những nhà lãnh đạo hào kiệt, anh hùng dân tộc, doanh nhân văn hóa thế giới nhưng như là Trần Nhân Tông - Đức Thánh Trần, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, người dân có lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, lao động cần cù và thông minh, sáng tạo. Tuyệt đại bộ phận cử tri và nhân dân mong muốn những cán bộ lãnh đạo ở tầm quốc gia, cấp chiến lược cần biết tự hào với lịch sử vẻ vang của tổ tiên, các bậc tiền bối đã để lại cho chúng ta thì bản thân cần phải làm gì, sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của biết bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng này. Phải làm gì để không phụ công ơn của hàng triệu cử tri, của cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng bỏ lá phiếu cho mình.
Cử tri, cán bộ và nhân dân rất đau lòng và không muốn những người lãnh đạo ở các cấp, các ngành, nhất là ở tầm cao vì thiếu gương mẫu, lợi ích nhóm, quên đi lợi ích của nhân dân mà vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự; không bao giờ muốn và rất bất bình đối với những kẻ tha hóa biến chất, gây thất thoát, lãng phí, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng trong khi ngân sách của nhà nước còn eo hẹp. Mặc cho núi rừng bị xẻ thịt, lột da, mặc cho đại biểu và cử tri, nhân dân kêu cứu vì những dòng sông bị bức tử thành những dòng sông chết, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc ở các đô thị và ven đô. Cử tri và nhân dân mong muốn đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định, hướng xã hội chủ nghĩa trong các nghị quyết của Đảng. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển chỉ có phát triển kinh tế thị trường đã và đang vật lộn với đại dịch COVID-19 và bài học quý giá của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19 vừa qua đã chứng minh xác đáng mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, là đặc điểm riêng có ở Việt Nam.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Đại biểu đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, điều hành, đúng là quốc sách hàng đầu và then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tiếp tục bổ sung vào nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là phải ứng dụng luận cứ khoa học về quản lý, về hành chính công và dịch vụ công để thể chế hóa trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ. Đây là điều kiện tiên quyết để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được yêu cầu ý Đảng, lòng dân.
Trên cơ sở đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an sớm rà soát, nghiên cứu, xây dựng Luật Hành chính công hoặc Luật Dịch vụ công, tạo thành hành lang pháp lý ứng dụng khoa học, công nghệ trong cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, thúc đẩy xã hội hóa trong toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, kỷ cương góp phần phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ, Quốc hội để xây dựng Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và bổ sung 2 luật mới rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như phù hợp với đặc điểm truyền thống văn hóa của dân tộc chúng ta. đó là Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa và Luật Bảo vệ động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục cho phép phân bổ dự toán và sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2021 cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để bảo vệ môi trường. Có các hạng mục mua sắm trang thiết bị như hỗ trợ đồng bào Khmer xây dựng cơ sở hỏa táng hay xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công ích, lưu vực sông Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua các huyện phía Nam của Hà Nội và các tuyến quốc lộ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc như quốc lộ 6./.