Hiện nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng và bạo lực gia đình nói chung của Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung tương đối kịp thời trong các luật như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Thế nhưng, tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình vẫn diễn ra phức tạp nên đòi hỏi Ban soạn thảo các Luật phải tiếp tục cập nhật tình hình thực tiễn để có sự sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời hơn. Đặc biệt, các Bộ ngành cần đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.
Để làm rõ hơn về những nội dung trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng bạo lực gia đình hiện nay diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, nhất là bạo lực trẻ em. Đại biểu có thể cho biết thực trạng này diễn ra hiện nay như thế nào?
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Năm 2019 và 2020, Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua kết giám sát cho thấy, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Trong đó, xâm hại tình dục là 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại. Các hình thức xâm hại khác là 1.314 trẻ em, chiếm 15,09% tổng số trẻ em bị xâm hại, gồm các hành vi như: hành hạ trẻ em; sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trẻ em; đánh tráo trẻ em dưới 01 tuổi; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp trẻ em vi phạm pháp luật; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đối với trẻ em…
Cần có giải pháp quyết liệt hơn để phòng chống xâm hại trẻ em (ảnh minh họa).
Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau.
Nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn… Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Bên cạnh đó, còn tình trạng tảo hôn chủ yếu xảy ra ở một số vùng dân tộc thiểu số, do tập tục lạc hậu từ lâu đời, nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Phóng viên: Ngoài bạo lực trẻ em thì hiện nay, bạo lực gia đình cũng là vấn đề khiến dư luận xã hội lo lắng. Nhiều gia đình Việt hiện nay thể hiện cách giáo dục con là phải “yêu cho roi cho vọt”. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào và nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình?
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Theo quan điểm của tôi, “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” là câu nói từ xưa của ông bà ta và cần phải được hiểu theo nghĩa rất rộng. Chứ không nên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp. “Yêu cho roi cho vọt” không phải là vì yêu quý, vì chăm lo hay nhân danh điều này mà hơi một tí là cầm roi, rồi đánh mắng, đe nẹt, không phải là bạ đâu đánh đấy, gặp gì đánh nấy. Đánh như đánh kẻ thù, đánh cho “lên bờ xuống ruộng”, cho “thừa sống thiếu chết”… như rất nhiều trường hợp mà công luận đã lên tiếng. Đó nguyên hình là tội ác, là ung nhọt cần phải cắt bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Đó chỉ là sự nguỵ biện, là nhân danh dạy dỗ để thực hiện dã tâm. Chứ không liên quan gì đến phương châm “yêu cho roi cho vọt” của ông cha ta.
“Yêu cho roi cho vọt” đúng ra là không nuông chiều quá đáng, muốn gì được nấy. Mà là sự quan tâm sâu sát, sự tôn trọng và tin cậy; là yêu cầu cao nhưng phù hợp và giám sát nghiêm túc thực hiện. Theo quan điểm của tôi, dù có dùng “roi”, thì cũng phải để con hiểu vì sao mình bị như vậy. Để con vẫn “thấm” được sự thương yêu, tôn trọng và kỳ vọng của cha mẹ… Để con hiểu: “Cha mẹ đánh không phải vì mẹ ghét, mà để cho mình ngoan lên…”. Như thế, dù “có roi” mà vẫn chẳng kém sự “ngọt ngào”.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Về nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực gia đình nói chung, theo tôi là do nhận thức về bình đẳng giới. Tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”, khiến nam giới trở nên gia trưởng, cho phép mình được bạo hành với phụ nữ; sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, cam chịu. Họ mang tư tưởng: “xấu chàng hổ ai”, sợ hàng xóm, bạn bè chê cười… Còn trẻ em chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ chính gia đình mình về những quan niệm, hành vi bạo lực của người cha và sự cam chịu của người mẹ.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình còn do quan điểm về văn hóa như: Quan niệm gia đình là do nam giới kiểm soát; quan niệm việc chấp nhận bị bạo hành sẽ có thể giải quyết xung đột. Mặt khác, nữ giới thường phụ thuộc nam giới về lĩnh vực kinh tế, năng lực nghề nghiệp. Đặc biệt là tình trạng chênh lệch về nghề nghiệp giữa vợ và chồng, sự ưu ái đối với nam giới của các nhà tuyển dụng. Ngoài ra còn do tác động của các chất kích thích, của men bia, rượu, ma túy, của thói trăng hoa… Bạo lực gia đình gia tăng còn do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm minh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bạo lực gia đình còn chưa đạt hiệu quả cao; sự hiểu biết về pháp luật của cộng đồng còn hạn chế.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến bạo lực với trẻ em là do những tác động xấu của mạng Internet, mạng xã hội đặt ra nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tại nhiều địa phương thiếu điểm vui chơi, một số thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em. Một bộ phận người dân đời sống khó khăn nên phải lo làm ăn kinh tế chưa dành thời gian và điều kiện để chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Nguyên nhân chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp còn chưa hiệu quả. Thậm chí, một số cơ quan còn có tâm lý ỷ lại cho ngành Lao động- Thương binh và Xã hội. Sự gia tăng tình trạng ly hôn, quan hệ giữa các thành viên trong nhiều gia đình, nhất là ở đô thị còn lỏng lẻo dẫn tới thiếu sự quan tâm đầy đủ dành cho trẻ em.
Phóng viên: Trước những bất cập nêu trên, hiện Quốc hội, Chính phủ đã có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý như thế nào để phòng chống bạo lực gia đình? Các cơ chế, chính sách này có gặp phải vướng mắc, hạn chế gì không, thưa đại biểu?
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình. Ngay từ năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã ký kết gia nhập “Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ”. Đồng thời ban hành các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao điều chỉnh các vấn đề có liên quan bạo lực gia đình như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới. Đặc biệt, ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Vụ người chồng đánh đập vợ xảy ra ngày 27/8/2019 ở quận Long Biên, Hà Nội (ảnh cắt từ clip).
Việc ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những công cụ pháp lý để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, là cơ sở pháp lý để nâng cao vai trò, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 08 Nghị định, 02 Nghị quyết, 02 Chỉ thị, 11 Quyết định, 19 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, ngày 06/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, với mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.
Như vậy, về hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế thị trường nên hành lang pháp lý cũng cần có những thay đổi để đáp ứng sự phát triển đó. Chính vì vậy, Chính phủ đã có tổng kết việc thực hiện Luật này và dự kiến đề xuất trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Với việc sửa đổi này sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phóng viên: Vậy chúng ta cần thay đổi mô hình giáo dục gia đình như thế nào để giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực gia đình, thưa đại biểu?
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Theo quan điểm tôi, không có một khuôn mẫu mô hình chung nào về giáo dục trong gia đình. Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở nước ta đã khá hoàn thiện, trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng được nâng lên một bước trong thời gian gần đây, vướng mắc còn lại nằm ở chính mỗi gia đình, ý thức từng cá nhân. Đó là quan niệm về bạo lực gia đình của người dân còn khá mơ hồ và dường như chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất là được chú ý tới. Nhiều người cho rằng, một cái tát, một câu chửi mắng lúc nóng giận là bình thường, con hư thì bố mẹ phải đánh để giáo dục hay việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ của vợ... Những chuyện như thế không bị họ coi là bạo lực gia đình, là vi phạm pháp luật, mà là chuyện cơm bữa, chuyện riêng tư trong từng mái nhà...
Ngay cả bản thân nhiều nạn nhân còn không muốn xử lý bởi sợ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, danh dự gia đình, nên thường giấu kín, chứ nói gì đến người vi phạm. Sợi dây tình thân, sự sĩ diện của bản thân đã làm lu mờ đi những quy định pháp luật, khiến cho việc dù đã có quy định, nhưng để thực thi thì lại không hề dễ. Quy định pháp luật về gia đình có nghiêm khắc đến mấy nhưng nếu chúng ta không tạo ra được một môi trường tốt để pháp luật lan tỏa, điều chỉnh hành vi trong cuộc sống gia đình, thì cũng khó để ngăn chặn, đẩy lùi được vấn nạn này.
Phóng viên: Theo đại biểu, cần có giải pháp căn cơ, hữu hiệu nào để ngăn chặn hiệu quả bạo lực gia đình thời gian tới?
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Theo tôi, để ngăn chặn hiệu quả bạo lực gia đình cần có sự chung tay của tất cả các cơ quan, gia đình, cá nhân và của toàn xã hội tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình.
Thứ hai, đối với Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình. Chính phủ cần rà soát văn bản, bổ sung các quy định còn thiếu, sửa đổi những quy định bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ ba, cần nghiên cứu Mô hình quản lý nhà nước để gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!/.