Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Nghiên cứu dự thảo và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu nêu rõ, về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 20) và hồ sơ đăng ký thường trú (Điều 21). Tại điểm b khoản 3 Điều 20 dự thảo luật, đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 2 “đã đăng ký tạm trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên”, vì điều này phù hợp với quy định Hiến pháp là “mọi công dân có quyền tự do lựa chọn nơi cư trú của mình”. Mặt khác, điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy việc chúng ta chưa hoàn thành được tỷ lệ đô thị đến năm 2020 theo chương trình phát triển đô thị của quốc gia là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế tỷ lệ dân cư ở đô thị. Đồng tình với phương án 2 tại điểm b khoản 3 Điều 20 dự thảo, đại biểu đề nghị bỏ điểm c khoản 3 Điều 21 dự thảo để tương ứng với lựa chọn phương án 1, điểm b khoản 3 Điều 20.
Về điều kiện đăng ký tạm trú (Điều 27), đại biểu lựa chọn phương án 1: Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể gia hạn tiếp tục nhiều lần như luật hiện hành, để phân biệt với đăng ký thường trú và người tạm trú cũng phải có trách nhiệm của mình đối với nơi đăng ký thường trú. Theo đại biểu, đây chính là cơ sở để cho các địa phương trong việc xác định chiến lược phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương.
Về điều khoản thi hành (Điều 38), tại khoản 3 Điều 38 dự thảo luật đại biểu thống nhất chọn phương án 1, đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2020 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy xác nhận nơi cư trú của công dân./.