ĐBQH Nguyễn Lâm Thành-Lạng Sơn: Việc thu phí, lệ phí phải bảo đảm công khai, minh bạch để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân

19/06/2015

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn nhấn mạnh, việc thu phí, lệ phí phải bảo đảm công khai, minh bạch để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân.

                                                                                                                                             Ảnh: Nam Nguyễn

Đại biểu cho rằng, chính sách phí và lệ phí phải làm sao đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính góp phần giảm những chi phí về hành chính và minh bạch hóa trong các hoạt động quản lý của nhà nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp.

Theo đại biểu, dự thảo bước đầu thể hiện được mục tiêu, quan điểm đổi mới, đặc biệt là theo tinh thần của Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ Khoản 2, Điều 6 giải thích lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan hành chính nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Trên thực tế người dân không biết được đâu là dịch vụ công, đâu không phải là dịch vụ công và đâu là nộp phí, đâu là lệ phí, đâu là giá dịch vụ. Cho nên những khái niệm này cần phải được xác định rõ và lệ phí phải gắn với dịch vụ hành chính công và phí gắn với dịch vụ công. Đấy là 2 khoản đầu tiên chúng ta phân định.

Đại biểu cho rằng lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan hành chính nhà nước phục vụ dịch vụ hành chính công nhằm bảo đảm công việc quản lý của nhà nước và phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công để phục vụ đời sống kinh tế - xã hội.

Về nội dung này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn các khái niệm về phí, lệ phí cùng với giá dịch vụ theo đúng bản chất quản lý kinh tế, làm rõ sự khác biệt của 3 loại trên và là căn cứ để phân định danh mục phí, lệ phí được chính xác, phù hợp, đặc biệt giúp cho người dân có thể hiểu được và thực hiện được.

Thứ hai, Chương III chế độ thu nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí, đại biểu đề nghị bổ sung một điều về nguyên tắc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đó là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai minh bạch và thống nhất trong quản lý sử dụng với các lý do: Phí, lệ phí liên quan dịch vụ công được thực hiện rộng rãi và trực tiếp với cuộc sống của người dân, doanh nghiệp và xã hội nên chế độ thu nộp sử dụng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sau:

Một, việc thu phí, lệ phí phải bảo đảm hợp lý về khoản, mục thu, mức thu nộp.

Hai, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng tận thu, lạm thu và lãng phí.

Ba, bảo đảm phân bổ và sử dụng hợp lý quản lý thống nhất, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quyết định thu, sử dụng nguồn phí, lệ phí.

Bốn, bảo đảm công khai, minh bạch. Nội dung này phải được xác định là một nguyên tắc cơ bản cần được thực hiện hiện thực hóa đầy đủ để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc sử dụng dịch vụ nhà nước đi cùng với việc thực hiện nghĩa vụ trao đổi. Bảo đảm cơ chế giám sát hiệu quả của cơ quan Nhà nước và cộng đồng dân cư.

Về nguyên tắc xác định mức thu phí tại Điều 7. Dự thảo quy định mức thu phí được xác định bảo đảm bù đắp chi phí có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách Nhà nước trong từng thời kỳ. Với cách xác định trên phí đã phần nào chuyển sang bản chất của giá vì đã bao gồm cả chi phí và lợi nhuận. Như vậy, sẽ dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau và dễ lạm dụng trong quá trình thực hiện.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch vụ công mới, cùng với nó là sự thay đổi phương thức quản lý nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội. Quá trình xã hội hóa này cần được nghiên cứu, bổ sung theo hướng giao các tổ chức doanh nghiệp xã hội, (tổ chức phi lợi nhuận và đã được quy định trong luật doanh nghiệp) đứng ra làm dịch vụ công thay cho nhà nước.

Một số loại hình dịch vụ tổ chức, cá nhân đầu tư thu phí, tính toán trên cơ sở chi phí và được hưởng một khoản lợi nhuận định mức hợp lý. Một số loại hình chuyển sang cơ chế giá, dịch vụ và có sự kiểm soát của Nhà nước. Việc xã hội hóa góp phần giảm bớt gánh nặng về phí, lệ phí cho xã hội và người dân, đáp ứng tinh thần Kết luận số 37 ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về danh mục phí, lệ phí, Ban soạn thảo cần rà soát đầy đủ, thống kê tất cả các danh mục phí, lệ phí. phí chuyển sang giá đã được quy định ở các luật chuyên ngành. Các khoản phí dự kiến chuyển sang giá. Xem xét phân loại nhóm hợp lý theo tính chất quản lý và theo tinh thần thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước. Xác định lộ trình phù hợp cho từng loại dịch vụ.

Đại biểu đề nghị xem xét việc chuyển sang giá dịch vụ như đối với giáo dục, y tế, các hoạt động vệ sinh, môi trường, dịch vụ công cộng khác cũng cần được xem xét thận trọng. Phân loại và có lộ trình thích hợp, vì phạm vi tác động rộng liên quan đến các nhóm đối tượng yếu thế, nhạy cảm nhất là các đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội. Những đối tượng này hiện đang vẫn cần những chính sách bảo trợ của Nhà nước. Ví dụ trong giáo dục phổ thông chúng ta đang chủ trương phổ cập ở các cấp, chưa nên chuyển toàn bộ sang cơ chế giá đối với hệ thống giáo dục công lập.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, cử tri cũng đề nghị xem xét đối với phí giao thông, xe gắn máy cho những vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn. Khoản phí này rất thấp, trong quá trình thu cũng rất khó khăn. Người dân nói rằng quá trình thu nộp cũng vướng mắc rất nhiều vấn đề. Trong dự thảo có quy định phí đối với cấp lại thẻ bảo hiểm y tế tại Khoản 6, Mục 3. Khoản này rất nhỏ, đại biểu đề nghị không cần thiết phải quy định trong luật.

Năm, về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phí và lệ phí từ Điều 16 đến Điều 19. Đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật này cần quy định danh mục chi tiết phí và lệ phí trong luật này và phải được Quốc hội thông qua, tức là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quy định trong trường hợp cần điều chỉnh bổ sung danh mục phí lệ phí giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trên cơ sở tờ trình của Chính phủ.

Đặng Mai ghi