ĐBQH NGÔ THỊ MINH – QUẢNG NINH: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TỐ CÁO

28/05/2018

Sáng 24/5, trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Quảng Ninh cho rằng, vì hiện nay chưa có nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tố cáo nên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể việc xử lý hành vi, xử lý tài sản, đặc biệt trong trường hợp người bị tố cáo đã chết tại thời điểm thực hiện quyết định xử lý hành vi vi phạm đối với các tố cáo đúng.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại Hội trường

Qua nghiên cứu, đại biểu Ngô Thị Minh nhận thấy dự thảo luật đã cụ thể hóa được các chủ trương của Đảng về việc cải cách nền hành chính và việc giải quyết tố cáo của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện được quyền tố cáo của mình. Dự thảo luật cũng đã quy định khá rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo cùng nhiều quy định về cơ chế để bảo vệ người tố cáo v.v... Tuy nhiên, vì hiện nay chưa có nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tố cáo nên đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định để hướng dẫn cụ thể việc xử lý hành vi, xử lý tài sản, đặc biệt trong trường hợp người bị tố cáo đã chết tại thời điểm thực hiện quyết định xử lý hành vi vi phạm đối với các tố cáo đúng. Kể cả những quy định chi tiết, mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 8 của luật này hoặc vi phạm các quy định khác của luật về tố cáo.

Mặt khác, đại biểu nhận thấy trong các dự thảo luật nói chung, việc quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức có liên quan trong vai trò chủ trì khi thực hiện nhiệm vụ phối hợp là rất cần thiết. Trong giải quyết tố cáo, các quy định này cần phải được quan tâm hơn, các quy định tại Điều 6 và Điều 62 của dự thảo luật quy định còn chung chung và chưa rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong vai trò chủ trì khi phối hợp giải quyết tố cáo, gây khó khăn cho việc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu sau quá trình giám sát việc thi hành luật trong lĩnh vực này. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế thêm một số điều thể hiện rõ trách nhiệm này trong dự thảo luật.

Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được quy định tại Điều 9. Khoản 2 điều này nói về nghĩa vụ của người tố cáo, tại điểm đ quy định "bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra". Để quy định này có tính khả thi, đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi tố cáo sai sự thật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật các quy định chi tiết để làm rõ việc thực hiện nội dung tại khoản này hoặc giao nhiệm vụ này cho Chính phủ, vì kết quả giải quyết, tố cáo của các cơ quan chức năng thời gian qua đã phản ánh có tới trên 70% vụ việc là tố cáo sai, trong khi việc xử lý thông tin về tố cáo đòi hỏi phải quy định đặc biệt, như việc bảo vệ người tố cáo và xác minh lại vụ việc tố cáo.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 24/5

Về thụ lý tố cáo được quy định tại Điều 30. Khoản 1 điều này luật giao thẩm quyền cho người giải quyết tố cáo được ban hành quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây: Điểm c: "Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo còn thời hiệu xử lý theo quy định pháp luật", quy định này trên thực tế rất khó xác định việc còn hay không còn thời hiệu xử lý khi quyết định thụ lý tố cáo, vì nhiều nội dung tố cáo chỉ nêu sự việc hiện tượng, không nêu cụ thể ngày vi phạm. Trong khi thời hiệu xử lý hành chính các hành vi vi phạm đòi hỏi tính chính xác cụ thể theo ngày của từng hành vi vi phạm. Đồng thời, việc xác định mốc tính thời hiệu xử lý theo ngày ghi trên đơn tố cáo hay ngày mà cơ quan chức năng tiếp nhận tố cáo hoặc ngày giải quyết thụ lý báo cáo. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định chi tiết nhằm thực hiện hiệu quả nội dung nêu tại điểm này. Bổ sung thêm quy định những trường hợp tố cáo không thụ lý nhằm tránh trường hợp công dân lợi dụng tố cáo để thực hiện mục đích xấu với người bị tố cáo.

Riêng với nội dung bảo vệ thông tin người tố cáo và xử lý trách nhiệm của người để lộ thông tin người tố cáo, đại biểu nhận thấy đây là việc khó, đặc biệt trước thực trạng công dân có xu hướng gửi đơn tại nhiều nơi, nhiều cấp khó xác định người để lộ thông tin người tố cáo để xử lý trách nhiệm. Trên thực tế việc xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải nêu rõ nội dung vụ việc, tên người liên quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải biết thì họ mới cấp hồ sơ tài liệu v.v... Đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn nội dung này.

Về nội dung rút tố cáo quy định tại Điều 33, Ban soạn thảo không nên quy định trong luật về rút tố cáo, vì người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung tố cáo, họ phải thận trọng hơn khi quyết định tố cáo, không thể tùy tiện trong việc tố cáo rồi lại rút tố cáo, nhất là mục tiêu tố cáo không trung thực, khách quan, có ý đồ xấu nhằm hại người bị tố cáo, sau khi đạt mục đích họ đòi rút đơn tố cáo. Trong khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo không thể chấm dứt trách nhiệm của mình và không thể phục hồi danh dự mất mát cho người bị tố cáo, do người tố cáo cố tình gây nên.

Về phạm vi bảo vệ quy định tại Điều 48, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào danh sách người được bảo vệ với một số trường hợp cụ thể, như người cung cấp thông tin, người nắm giữ các tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo. Đại biểu đề nghị bổ sung vào danh sách người được bảo vệ các trường hợp này vì thực tế những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, vụ vi phạm có tổ chức, người giải quyết tố cáo, người trực tiếp xác minh và người cung cấp thông tin nắm giữ tài liệu quan trọng, người làm chứng cho nội dung tố cáo đã bị khủng bố, đe dọa tinh thần, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình họ trong khi họ đang thực hiện trách nhiệm chung với xã hội. Mặt khác, tuy luật đã có các quy định về bảo mật, bảo vệ bí mật thông tin vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần của người tố cáo và người thân thích với người tố cáo nhưng luật cũng chưa có cơ chế cụ thể quy định về kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có cơ chế cụ thể hơn trong luật để bảo vệ người tố cáo và người có liên quan.

Việc xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan được quy định tại Điều 66, hiện nay chưa có văn bản nào quy định chi tiết mức độ hậu quả gây ra của trường hợp công dân cố tình tố cáo sai sự thật trong việc xử lý hành chính hay hình sự. Dự thảo luật chưa rõ chế tài xử lý và chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn người cố tình tố cáo sai sự thật. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 66 những quy định chi tiết về điều này hoặc giao thẩm quyền cho Chính phủ, như vậy sẽ rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc cụ thể hóa các chế tài trong việc xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo cũng như người khác có liên quan.

Vân Ngọc

Các bài viết khác