ĐBQH NGUYỄN HỮU ĐỨC – BÌNH ĐỊNH: CẦN ĐÁNH GIÁ TRÁCH NHIỆM CHẤP HÀNH KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT TÀI CHÍNH TRONG VIỆC XỬ LÝ NGHĨA VỤ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

28/05/2018

Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức - Bình Định cho rằng, cần đánh giá trách nhiệm chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc xử lý nghĩa vụ ngân sách nhà nước đối với quỹ bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức - Bình Định phát biểu tại Hội trường

Về phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017, khoản thu này là khoản thu của nhà nước gắn với thẩm quyền của từng cấp trung ương và địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Về nguyên tắc thì khoản thu này phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước.

Năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 203 quy định phương thức nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, sau đó năm 2017 thay thế bằng Nghị định 82 quy định phương pháp và mức tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước mà chưa có quy định phân chia khoản thu này. Như vậy từ năm 2013 đến năm 2016 có hay không khoảng trống đối với nguồn thu này, nếu không phát sinh nguồn thu do yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, vốn ngày càng hạn hẹp thì rất tốt. Song thực tế có như vậy không? Cử tri và chuyên gia cho rằng đây là sự chậm trễ đáng tiếc cần giải trình rõ trách nhiệm.

Toàn cảnh phiên họp chiều 26/5

Thực tế cho thấy, dù số thu dự kiến 50 tỷ đồng ở 14 địa phương vào cuối năm 2017 nhưng chưa có hướng dẫn, nay đề xuất theo hướng áp dụng như dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 có lẽ là phương án dễ chấp nhận, vì đây không phải là trường hợp hồi tố. Điều quan trọng là nguồn thu đó đã được phát sinh và phản ánh kịp thời, vừa đúng, vừa đủ vào ngân sách nhà nước. Riêng về xử lý nghĩa vụ ngân sách nhà nước đối với quỹ bảo hiểm xã hội, trước khi Quốc hội xem xét quyết định đề nghị Bộ Tài chính làm rõ những vấn đề sau:

Thứ nhất, đến nay đã qua hơn 2 năm, Nghị quyết 1083 vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Việc bố trí nguồn để xử lý khoản nợ hơn 22.000 tỷ thời hạn là 5 năm thì có khó khăn không trong khi quỹ bảo hiểm xã hội không dư giả. Trách nhiệm chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính cũng rất cần đánh giá ở đây.

Thứ hai, liên quan đến Nghị quyết 49 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và trong đó có khống chế tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 là không quá 50.000 tỷ. Ở đây là khống chế mức trần, tuy nhiên mức 6.000 tỷ theo phân kỳ dự kiến theo phương án của Chính phủ trình thì phát hành 6 nghìn tỷ, như vậy có phải điều chỉnh cắt giảm các dự án không và có ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch đầu tư của năm 2018 hay không.

Cuối cùng, về lãi suất phát sinh đối với khoản nợ của quỹ bảo hiểm xã hội. Về nguyên tắc khi phát hành lúc đó mới phát sinh trả trái phiếu được tính lãi dù tính theo năm hay dài hơn. Đại biểu đề nghị để đảm bảo tính minh bạch cũng như một số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, cần tính lãi từ thời điểm phát hành trái phiếu. 

Vân Ngọc

Các bài viết khác