ĐBQH NGUYỄN HỮU CHÍNH – TP.HÀ NỘI: BỔ SUNG THÊM HÌNH THỨC TỐ CÁO BẰNG TIN NHẮN QUA ĐIỆN THOẠI CHO PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ CUỘC SỐNG

28/05/2018

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tố Cáo (sửa đổi). Phát biểu tại phiên làm việc, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng nên bổ sung thêm hình thức tố cáo bằng tin nhắn qua điện thoại cho phù hợp với thực tế cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền tự do tố cáo.

Toàn cảnh phiên làm việc buổi sáng 24/5

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho biết, Luật Tố cáo được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011 có hiệu lực thi hành từ ngày mùng 1/7/2012. Tuy nhiên, qua gần 6 năm triển khai và thực hiện Luật Tố cáo năm 2011 đã bộc lộ một số bất cập thì dự thảo Luật Tố cáo lần này đã có sự chỉnh lý những nội dung tương đối chặt chẽ như hình thức tố cáo, thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo v.v.. . Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này, đại biểu xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về hình thức tố cáo, theo Điều 22 dự thảo hiện nay có hai quan điểm về hình thức tố cáo:

Quan điểm thứ nhất, đề nghị chỉ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Quan điểm thứ hai, đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua fax, điện tử, điện thoại.

Dự thảo luật hiện nay đang xây dựng theo quan điểm thứ hai, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhất trí hoàn toàn với quan điểm thứ hai và cho rằng, hiện nay phương thức chuyển tải thông tin qua fax, thư điện tử, đặc biệt điện thoại đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước đây là những phương thức chuyển tải thông tin rất ưu việt, giúp tiết kiệm về thời gian, công sức của người chuyển tải và tiếp nhận thông tin. Mặt khác, sau khi tiếp nhận thông tin tố cáo được thực hiện qua những phương thức này thì người tiếp nhận hoặc bộ phận tiếp nhận tố cáo hoàn toàn có khả năng kiểm tra, xác minh để làm rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ việc tố cáo cũng như việc tiếp nhận các thông tin tài liệu, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại phiên họp

Thực tiễn tại Điều 23 về tiếp nhận tố cáo, Điều 25 tiếp nhận xử lý thông tin tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc sử dụng tên của người khác để tố cáo. Trong dự thảo luật quy định rất chặt chẽ việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo, đảm bảo dù tố cáo được thực hiện dưới hình thức nào thì giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải xác nhận rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung tố cáo từ đó làm căn cứ để thụ lý vụ việc. Do vậy, ngoài hình thức tố cáo truyền thống là bằng đơn và trực tiếp thì việc mở rộng hình thức tố cáo quá fax, thư điện tử, điện thoại là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Tuy nhiên, nếu quan điểm này được chấp nhận tại Điều 22 hình thức tố cáo trong dự thảo luật mới quy định hình thức tố cáo bằng việc trình bày lời nói qua điện thoại, chưa quy định hình thức nhắn tin, nội dung tố cáo qua điện thoại, trong khi hình thức này rất phổ biến và thường gặp trên thực tế. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị nếu chấp nhận quan điểm thứ hai thì bổ sung thêm hình thức tố cáo bằng tin nhắn qua điện thoại cho phù hợp với thực tế cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền tự do tố cáo.

Thứ hai, việc rút tố cáo theo Điều 33 dự thảo, so với dự thảo trước thì dự thảo này quy định tương đối chặt chẽ việc rút tố cáo, theo đó trước khi người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo thì người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo. Đại biểu Nguyễn Hữu Chinh cho rằng, quy định như vậy là phù hợp thực tiễn, đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa xử lý những người lợi dụng tố cáo vu khống, bôi nhọ danh dự người khác. Tuy nhiên, dự thảo lần này mới quy định hậu quả pháp lý với trường hợp người tố cáo rút toàn bộ tố cáo mà chưa quy định trường hợp người tố cáo rút một phần tố cáo, hay nhiều người tố cáo về một nội dung trong đó có người rút tố cáo, có người không rút tố cáo. Đại biểu đề nghị trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo không xem xét phần nội dung tố cáo được rút trừ trường hợp người giải quyết tố cáo thấy có nội dung tố cáo bị rút có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp nhiều người tố cáo về nội dung trong đó có người rút tố cáo, người không rút tố cáo thì nội dung tố cáo vẫn được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Thứ ba, về đối tượng áp dụng pháp luật, dự thảo chưa quy định về đối tượng áp dụng dẫn đến việc hiểu và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Ví dụ, luật chỉ áp dụng với người tố cáo là công dân Việt Nam còn người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài giải quyết như thế nào. Mặt khác, dự thảo luật chủ thể tố cáo là cá nhân, như vậy việc tố cáo cơ quan tổ chức không được điều chỉnh theo quy định của luật này. Nhưng tại Điều 26 của dự thảo lại quy định về việc tiếp nhận xử lý tố cáo từ cơ quan báo chí chuyển đến. Như vậy, vẫn tồn tại sự không đồng nhất trong việc xác định chủ thể tố cáo, trong các chính sách, quyết định của pháp luật tố cáo. Trong thực tế, cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, do vậy để tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện tố cáo, đại biểu Nguyễn Hữu Chính kiến nghị mở rộng chủ thể tố cáo sang cả cơ quan, tổ chức.

Mai Trang

Các bài viết khác