ĐBQH ÂU THỊ MAI – TUYÊN QUANG: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG ĐIỀU KHOẢN QUY ĐỊNH QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

28/05/2018

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tham gia cho ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai - Tuyên Quang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo phù hợp thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai - Tuyên Quang phát biểu tại Hội trường

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu nhận thấy quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp chưa được nêu rõ. Thực tế không nhiều doanh nghiệp vận dụng quy định của Luật Cạnh tranh để đảm bảo quyền của mình nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở dĩ như vậy vì doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức theo các vụ kiện cạnh tranh. Mặt khác, họ không thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong Luật Cạnh tranh, nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo phù hợp thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Cụ thể, về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Điều 11 khoản 4 quy định: "Thỏa thuận để một bên hoặc cá nhân các bên của thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa cung ứng dịch vụ". Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định về thông thầu như sau: "Thông thầu bao gồm các hành vi sau: Thỏa thuận về việc rút khỏi dự thầu hoặc rút đơn dự thầu nộp trước đó để một bên hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu. Thỏa thuận để một bên hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu. Thỏa thuận việc từ chối cung cấp hàng hóa không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận". Như vậy, thuật ngữ "thỏa thuận thông thầu" trong đấu thầu quy định tại khoản 4 dự thảo luật này có sự khác biệt với quy định thông thầu tại khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét nên sử dụng khái niệm thông thầu với nội hàm như đã quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Đấu thầu để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Về nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường tại Điều 25 khoản 2 quy định: Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 27 luật này hoặc có tổng thị phần thuộc các trường hợp sau:

Một là, hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan.

Hai là, ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan.

Ba là, bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.

Tuy nhiên, để đảm bảo không bỏ lọt trường hợp nhiều hơn bốn doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một điểm quy định về trường hợp có năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Về phiên điều trần tại Điều 97 khoản 5 quy định: "Tại phiên điều trần, những người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", để đảm bảo tính chặt chẽ của phiên điều trần, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào khoản 5 như sau: "Sau khi nghe những người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận, chủ tọa phiên điều trần phải kết luận và chỉ đạo hoàn thành biên bản phiên điều trần đúng quy định".

Về phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh quy định tại Điều 116. Mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm nhưng không được vượt quá mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự, và quy định đối với cùng một hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì mức phạt tiền với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo đại biểu, việc quy định của dự thảo luật về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể lên tới 10% đối với cá nhân và 20% đối với tổ chức trên tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm là chưa phù hợp. Bởi lẽ, doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều mặt hàng và chỉ có một mặt hàng là doanh nghiệp có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, đồng thời nếu tiến hành phạt 10% tổng doanh thu năm tài chính trước đó đối với cá nhân và 20% tổng doanh thu năm tài chính trước đó đối với tổ chức là số tiền rất lớn, có thể dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản bởi quyết định này. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo căn cứ mức hình phạt trên tổng doanh thu loại hàng hóa mà doanh nghiệp vi phạm thay vì tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Về vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh quy định tại Điều 7, vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau. Đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất với quy định tại Điều 7 dự thảo luật và Chương VII quy định về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vân Ngọc

Các bài viết khác