ĐBQH PHAN ANH KHOA – PHÚ YÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT: TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TRƯỞNG TRONG QUẢN LÝ NGÀNH VỀ VẤN ĐỀ KÉO DÀI TIẾN ĐỘ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

06/06/2018

Chiều 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa - Phú Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý ngành về vấn đề giải phóng mặt bằng thường kéo dài dẫn đến chậm tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn để tạo điều kiện cho địa phương triển khai tốt nhiệm vụ này?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa - Phú Yên có hai câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất, thời gian qua không ít khu công nghiệp mang yếu tố nước ngoài đã xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Như vậy trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên, đồng thời không làm cản trở việc tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng như thế nào.

Câu hỏi thứ hai, hiện nay giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, thường kéo dài dẫn đến chậm tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn. Biết rằng việc giải phóng mặt bằng là của địa phương nhưng với trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý ngành về vấn đề này như thế nào để tạo điều kiện cho địa phương triển khai tốt nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn đại biểu Phan Anh Khoa - Phú Yên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, khi xảy ra sự cố Formosa, đây là khu công nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài. Về cách thức giải quyết, đương nhiên ở đây phải là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, trung ương, địa phương và các bộ, ngành. Đến nay bài học đó và cách làm đó, chúng ta đã từng bước thể chế để thay đổi cách thức quản lý hiện nay. Nếu hiện nay chúng ta làm tốt, nhận dạng được các loại hình công nghiệp ô nhiễm, thì nên loại ra, trước khi đưa vào đầu tư. Từ khâu đánh giá tác động môi trường phải xác định trình độ công nghệ và loại hình.

Từ bài học này, Bộ trưởng cho rằng khâu đánh giá tác động môi trường cần phải làm thực chất để vừa đánh giá công nghệ sản xuất, xác định các công nghệ xử lý, kiểm soát và phòng ngừa sự cố. Nếu làm được như vậy thì các nhà đầu tư không chỉ nước ngoài mà trong nước, với cách làm như vậy cũng đảm bảo kiểm soát được an toàn về môi trường và tạo ra làn sóng đầu tư với chất lượng cao hơn, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và hiệu quả cao hơn.

Câu hỏi thứ hai, liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng thường kéo dài. Đây thực chất đã có những doanh nghiệp phản ánh giải phóng mặt bằng mất 10, 15 năm. Thực tế như vậy, Bộ trưởng báo cáo với các đại biểu Quốc hội:

Thứ nhất, ta không chủ động được quỹ đất sạch. Trên thực tế Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ về cơ chế như các trung tâm để phát triển quỹ đất, quỹ để phát triển quỹ đất. Như vậy quá trình này là một khâu, nếu làm được thì mới có được quỹ đất sạch nên tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp mới nhanh.

Nội dung thứ hai, liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng chính là quá trình để xem xét lại hồ sơ đất đai, định giá đất đai. Trên thực tế hiện nay khiếu kiện về giá đất đai, quyền lợi của người dân chiếm khoảng 70% các khiếu kiện. Thực tế phương pháp xác định giá đất ở đây có lẽ có vấn đề bởi trên thực tế giá đất để đền bù thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thị trường, đặc biệt những khâu phải phối hợp hết sức đồng bộ, đó là khâu kiểm kê, trao đổi để thống nhất về giá, giải phóng mặt bằng cho đến khâu tái định cư. Có những khâu phải làm đồng bộ, có những khâu phải làm trước.

Trên thực tế hiện nay chưa làm được như vậy, nhiều dự án khu chuẩn bị tái định cư chưa chuẩn bị tốt về hạ tầng đúng như chủ trương, chính sách và trong Luật Đất đai đã nói. Thực tế, khi chuyển đến có nhiều nơi giá ở nơi tái định cư đất đai không đủ để mua một căn nhà để ở. Đây là những bất cập có lẽ dẫn đến vấn đề phát sinh các khiếu kiện cũng như làm quá trình giải phóng mặt bằng của chúng ta chậm. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cũng là một nguyên nhân. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu cắt giảm các điều kiện và giám sát các thủ tục và chúng ta đã cắt được khoảng 50% các thủ tục hành chính, cũng như khoảng 50% thời gian.

Biện pháp trong thời gian sắp tới, cần tập trung vào mấy nguyên nhân, đó là:

Thứ nhất, xem lại phương pháp để định giá đất đai cho phù hợp và đúng với cơ chế thị trường hơn.

Thứ hai, cần thực hiện đầy đủ thiết chế, đó là trung tâm phát triển quỹ đất, đó là quỹ về phát triển quỹ đất để chuẩn bị trước đất sạch. Chúng ta chuẩn bị trước cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu người dân, có sự trao đổi một cách dân chủ, minh bạch với người dân để khi người dân thực hiện công tác giải phóng người ta đạt được sự đồng thuận. Trên thực tế chúng ta thực hiện được các mục tiêu, đó là giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và người dân cũng có cuộc sống tốt hơn. Đó là những giải pháp Bộ trưởng muốn đề cập.

Vân Ngọc

Các bài viết khác