ĐBQH PHAN VIẾT LƯỢNG – BÌNH PHƯỚC CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT: BỘ ĐÃ VÀ SẼ LÀM GÌ ĐỂ KHẮC PHỤC NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

06/06/2018

Chiều 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Bình Phước đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Bình Phước chất vấn tại Hội trường

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Bình Phước chất vấn Bộ trưởng 2 câu hỏi:

Thứ nhất, cử tri rất bức xúc trước tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường và gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp trong thời gian qua. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân tình trạng này và giải pháp để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Thứ hai, hiện nay quản lý sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua như chậm đưa đất vào sản xuất, sử đụng đất sai mục đích để đất bị lấn chiếm, thất thoát lãng phí.

Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn

Cám ơn đại biểu Phan Viết Lượng đoàn Bình Phước đã nêu vấn đề xã hội rất bức xúc hiện nay, đó là vi phạm pháp luật môi trường. Bộ trưởng cho rằng vi phạm này có những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất là chủ trương thu hút đầu tư, năng lực của các doanh nghiệp, trình độ công nghiệp của các doanh nghiệp, đó là nguyên nhân khách quan.

Nguyên nhân thứ hai là năng lực để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa đầy đủ, trên thực tế riêng ngành tài nguyên, môi trường ở trung ương cũng không kiểm soát hết được các đối tượng mình quản lý.

Nguyên nhân thứ ba là các biện pháp phòng ngừa, do trước đây chưa nhận thức được nên chưa đưa ra được những yêu cầu về giám sát, kiểm soát thường xuyên, trong đó có vấn đề phát hiện của người dân. Trên thực tế các doanh nghiệp này công nghệ không đáp ứng, tiêu chuẩn hiện nay đang yêu cầu cao lên và yêu cầu có những biện pháp để giám sát, thông thường là xả trộm ra môi trường như tình hình bức xúc vừa qua.

Đây là vấn đề cần rút ra bài học trong thời gian sắp tới, biện pháp thứ nhất là từ khâu đánh giá tác động môi trường, đến khâu phân loại các lĩnh vực đầu tư sản xuất để khoanh lại những lĩnh vực tiềm năng ô nhiễm cao và có thể xác định được đâu là những doanh nghiệp cần quan tâm thường xuyên tập trung để quản lý, không quản lý không có đối tượng rõ ràng như hiện nay.

Biện pháp thứ hai là phải áp dụng các biện pháp công nghệ, như hiện nay là yêu cầu đối với những khu vực khó có thể giám sát thường xuyên được thì phải có quan trắc tự động về không khí, nước và các hệ thống đó phải chuyển đến các cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương để giám sát, nếu có phát hiện gì thì chúng ta kịp thời xử lý.

Thứ ba là thanh tra, kiểm tra hiện nay không hiệu quả, thông báo đến thì doanh nghiệp có thể chạy hết công suất của công nghệ xử lý nhưng khi chúng ta về thì ban đêm có thể doanh nghiệp tắt máy v.v... Bộ trưởng cho rằng thanh tra hiện nay cũng cần phải thay đổi để không phải thực hiện thanh tra thường xuyên mà cần thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân.

Biện pháp cuối cùng là nếu đánh giá doanh nghiệp vi phạm một vài lần và trên thực tế công nghệ về sản xuất không thể khắc phục được, trong trường hợp đó cần tiến hành yêu cầu đình chỉ hoạt động, trên thực tế chúng ta cũng làm rồi. Tương lai cần phải phân dòng các loại đầu tư và phân dòng từ công nghệ sản xuất mới là chính, sau đó mới quan tâm đến vấn đề giám sát, kiểm soát. Những loại hình thân thiện với môi trường thì chỉ quan tâm tới hậu kiểm, không tập trung quan tâm đến tất cả các loại hình công nghiệp.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều 4/6

Về câu hỏi thứ hai liên quan đến quy hoạch quản lý đất đai hạn chế. Hiện nay đúng là có nhiều vấn đề về quản lý đất đai, đây chính là yếu kém hiện nay trong quản lý đất đai. Trên thực tế hiện nay vấn đề quản lý theo quy hoạch hoặc các đất công giao cho các đối tượng, như đất chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đất giao cho các phường, xã, đất đai giao cho các doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, trên thực tế hiện nay khâu để quản lý sử dụng hiệu quả đối với loại hình này trước đây rất ưu tiên, trên thực tế quá trình quản lý cũng chưa làm một cách hết sức quyết liệt, do đó cũng chưa đánh giá được toàn bộ nguồn lực này. Việc sử dụng không đúng mục đích hoặc để đất đai lãng phí, v.v... Bên cạnh vấn đề vi phạm, hiện nay có nhiều doanh nghiệp khi đầu tư các dự án rất lớn nhưng quá trình năng lực đầu tư lại kém, nên trước luật năm 2013 chưa quy định về năng lực đầu tư, những biện pháp tài chính như đặt các quỹ để đảm bảo cam kết đầu tư. Như vậy, việc nguồn lực nhiều khi chỉ mang tính chất đầu cơ đất đai, đi tìm các nhà đầu tư khác và không đủ năng lực, đây là một thực tế.

Bộ trưởng hoàn toàn đồng tình với đại biểu, và cho rằng việc để tăng cường biện pháp quản lý, biện pháp đối với vấn đề cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Trung ương và địa phương cần phải sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, sử dụng đất, các quy định hiện hành như thế nào đối với các đối tượng mà Bộ trưởng đã nêu.

Thực tế vừa qua, Hà Nội và 4 địa phương khác đã thu hồi trên 77.000 ha các dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm không đạt tiến độ để đất đai lãng phí, sai mục đích, thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác. Bộ trưởng cho rằng đó là những biện pháp cần thiết và trong thời gian tới vấn đề xác định các tiêu chí, năng lực của các nhà đầu tư, đảm bảo các tiến độ đầu tư hoặc các cơ chế, tài chính đất đai để đảm bảo nhà đầu tư phải thực hiện đã có nhưng chúng ta cần phải làm hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, có trách nhiệm rất cụ thể của từng cơ quan quản lý.

Vân Ngọc

Các bài viết khác