NGĂN CHẶN THAM NHŨNG – CỦNG CỐ NIỀM TIN NHÂN DÂN

27/10/2018

# Sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 và hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, sâu rộng… tạo bước tiến mang tính đột phá. Qua đó phát hiện và phanh phui hàng trăm cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, bị vạch trần cùng với hàng trăm vụ việc vi phạm nghiêm trọng.

Từ Đại hội XII của Đảng, nhân dân đã được chứng kiến sự quyết tâm của Đảng là làm trong sạch bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống tới địa phương

Từ Đại hội XII của Đảng, nhân dân đã được chứng kiến sự quyết tâm của Đảng về việc làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp từ Trung ương xuống tới địa phương. Qua các kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã lần lượt công khai xử lý nhiều người đứng đầu thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm từ Bộ Chính trị cho đến các ngành các cấp trung ương và địa phương đã được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, đặc biệt là sự kỳ vọng vào những chuyển tích cực của Đảng, Nhà nước, xoá nhoà đi quan điểm phiến diện của một bộ phận người dân về việc “làm cho có” trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Công khai xử lý nhiều người đứng đầu

Điển hình vào giữa năm 2016, nhiều dấu hiệu vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh khi giữ cương vị lãnh đạo tại Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (giai đoạn 2007-2013) được đưa ra ánh sáng. Tháng 10 năm 2017, người đứng đầu thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất quyết định cắt mọi chức vụ trong Đảng do những vi phạm được cho là rất nghiêm trọng. Cũng trong năm 2017, Lịch sử Đảng lần đầu tiên chứng kiến nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng cũng bị dính vào vòng lao lý. Ông Vũ Huy Hoàng, cán bộ cấp cao của Đảng dù đã về hưu cũng bị kỷ luật. Nhiều cán bộ Công an cũng bị xử lý kỷ luật Đảng…

Việc nhiều cán bộ là lãnh đạo, đảng viên dù đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu bị đưa ra xử lý sai phạm cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng là không có vùng cấm nào trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn. Nhưng là việc không thể không làm bởi “luật bất vị thân”, mọi đảng viên phải tuân thủ Điều lệ Đảng, bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là những cán bộ cấp cao lại càng phải chịu trách nhiệm lớn hơn trước pháp luật, trước Đảng, trước nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Bất kỳ cán bộ Đảng viên nào cũng phải tuân thủ kỷ luật Đảng

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Giữa kỷ luật Đảng với pháp luật của nhà nước là có quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. Bất kỳ cán bộ Đảng viên nào mà nắm chức vụ trong bộ máy nhà nước thì đều phải chấp hành kỷ luật Đảng, tuân thủ kỷ luật Đảng, đồng thời tuân thủ pháp luật Nhà nước. Vì thế không có trường hợp nào ngoại lệ, không có vùng cấm trong chống tiêu cực, chống tham nhũng. Do vậy dù đảng viên là cấp cao hay là cấp thấp thì đều phải tuân thủ kỳ luật Đảng và đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bình đẳng trước pháp luật như những công dân khác.

Nhiều lần, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định thông điệp mạnh mẽ phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt); kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, thanh lọc đội ngũ. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban với quyết tâm chính trị cao, tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, từ năm 2014 đến giữa năm 2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Cùng với đó nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện điều tra truy tố, xét xử nghiêm, đúng pháp luật. Điển hình là các vụ án Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Châu Thị Thu Nga, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ; Vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và 1 số địa phương.

Từ 1/6/2006, Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực. Đây được xác định là đạo luật quan trọng trong mục tiêu phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới luật khi triển khai thực hiện vào thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế. Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tiếp tục thảo luận tiếp thu, hoàn thiện và thông qua Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với mục tiêu cao nhất là thực hiện nghiêm cơ chế công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Mặc dù chúng ta không thể kỳ vọng Luật này như “cây gậy thần kỳ”, nhưng với việc thiết lập cơ quan kiểm soát tài sản tham nhũng như dự thảo đưa ra, cùng với những ý kiến xác đáng đóng góp xây dựng của các đại biểu Quốc hội, tin rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phòng ngừa tham nhũng tốt hơn, từng bước ngăn chặn tiến tới đẩy lùi hoàn toàn.

Để cung cấp thông tin cho độc giả những góc nhìn đa chiều, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian gần đây và những giải pháp đẩy lùi vấn nạn này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh già thế nào về công tác phòng chống tham nhũng thời gian gần đây? Nhiều lãnh đạo diện Trung ương quản lý cũng bị kỷ luật, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc Thước: Phòng chống tham nhũng đang là một dũng khí rất quyết liệt, giám nhìn thẳng vào sự thật

Đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X: Tham nhũng có nguy cơ uy hiếp đến sự tồn vong của chế độ, uy hiếp vai trò lãnh đạo của Đảng và gần đây nhất Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng đã đi vào trong ruột của chúng ta, tức là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tức là mình tự làm hư hỏng mình chứ không phải là từ tác động bên ngoài. Kẻ địch từ bên trong và kẻ địch từ bên trong đánh ra nếu không giải quyết được thì cực kỳ nguy hiểm. Cuộc chiến làm trong sạch Đảng từ quyết tâm đến hành động là cả một quá trình. Những vụ việc xử lý nhiều người đứng đầu thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng vừa qua là một dũng khí rất quyết liệt, giám nhìn thẳng vào sự thật, đánh vào những trung tâm của những vấn đề mà nó có nguy cơ uy hiếp đến sự tồn vong của đất nước. Dù là cấp cao trong Đảng nhưng nếu vi phạm kiên quyết đưa ra ánh sáng để xử lý, chừng trị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ sự trong sáng của Đảng.

Đại biểu Vũ Mão, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI: Xưa nay, tham nhũng bị coi là quốc nạn, là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền. Tuy nhiên, thời gian gần đây công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến và chuyển biến đó đi vào thực chất và nhận được sự đồng tình của nhân dân. Nhân dân cho rằng cần phải làm như thế và cần phải làm mạnh hơn nữa. Phòng chống tham nhũng đụng chạm tới những cán bộ cấp cao, điều mà đã từ lâu nhân dân suy nghĩ, nghi vấn liệu có xử lý không, xử lý như thế nào? Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần thượng tôn pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đấy là điều rất mừng, nhân dân đồng tình, phấn khởi.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: Công tác phòng chống tham nhũng không có vùng cấm

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Chưa bao giờ, cuộc chiến chống tham nhũng lại được nhắc nhiều như lúc này. Thời gian vừa qua đã triển khai điều tra truy tố xét xử một số vụ án tham nhũng lớn, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, tướng lĩnh của Công an cũng bị đưa ra. Điều này khẳng định công tác phòng chống tham nhũng là không có vùng cấm, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, quyết tâm loại bỏ khỏi hàng ngũ của Đảng những cán bộ thoái hoá, biến chất.

Phóng viên: Theo đại biểu, để tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham những, cần có những giải pháp như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X: Muốn đẩy lùi tham nhũng thì Đảng phải hành động, các cấp ủy, Bộ máy chính quyền các cấp phải hành động. Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng phải hành động trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quốc hội phải hành động, đại biểu Quốc hội phải hành động, Ủy ban dân nguyện phải hành động, Ủy ban thường vụ phải hành động, theo quyền lực của mình, yêu cầu Đảng, yêu cầu bộ phận bộ máy của Nhà nước phải giải đáp một cách tận tình những ý kiến của nhân dân. Nếu làm được như vậy, đứng về phương diện Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, sử dụng quyền lực của mình qua lắng nghe ý kiến của nhân dân, yêu cầu bộ máy điều hành phải trả lời giải đáp được những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân thì chắc chắn rằng sẽ có chuyển biến và bộ máy của nhà nước phải hành động tốt thì chắc chắn hiệu lực lãnh đạo của Đảng sẽ được cao lên.

Đại biểu Vũ Mão: Công tác phòng chống tham nhũng đòi hỏi người đứng đầu và bộ máy làm công tác thanh tra, kiểm tra phải thật sự trong sạch

Đại biểu Vũ Mão, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI: Cuộc chiến làm trong sạch Đảng từ quyết tâm đến hành động là cả một quá trình, không phải lúc nào cũng thuận lợi mà đó là một cuộc chiến cam go, không dễ dàng. Do vậy đòi hỏi người đứng đầu và bộ máy làm công tác thanh tra, kiểm tra phải thật sự trong sạch. Bên cạnh đó tiếp tục nêu cao những điều chúng ta thể hiện sự quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện tinh thần đấu tranh từ lãnh đạo cao nhất cho đến các cấp, không bỏ dở, không dừng lại và phải làm đến cùng.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 là công cụ pháp lý quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Điều này góp phần tác động mạnh mẽ, có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng. Song song với công cụ pháp lý thì cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát về trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức. Tăng cường hoạt động phản ánh của báo chí, nhân dân. Thực tế thời gian quan, không ít vụ án tham nhũng là do phát hiện, phản ánh từ báo chí và nhân dân mà ra. Bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm phản ánh này thì đồng thời phải tăng cường trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu cơ quan tổ chức./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lê Phương