ĐBQH: PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI GẮN VỚI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

27/10/2018

Đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển kinh tế -xã hội của đất nước thời gian qua, các đại biểu mong muốn Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp để đầu tư chuyên sâu, quan tâm tới phát triển nông nghiệp và tận dụng cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh: Tiếp cận với nền công nghiệp 4.0 phải được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và doanh nghiệp

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Gần như các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là sự phấn khởi chung của cả nước trên cơ sở đất nước ta có những chuyển mình rất đáng trân trọng, tích cực. Đây sẽ là nền tảng, động lực để chúng ta tiếp tục vượt qua những khó khăn thách thức phía trước để làm sao thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển ở giai đoạn cuối để thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội, của Đảng. Kết quả đạt được rất nhiều nhưng thách thức phía trước không phải là nhỏ. Điển hình như chúng ta đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phải phát triển nền kinh tế công nghiệp hiện đại trên các lĩnh vực, phát triển theo nhu cầu thị trường. Việc tiếp cận với nền công nghiệp 4.0 phải được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và doanh nghiệp để tất cả người dân, cộng đồng xã hội đồng hành với Chính phủ cùng tham gia vào cuộc cách mạng này. Nếu không triển khai rộng rãi, doanh nghiệp không vào cuộc, người dân không hiểu cách mạng công nghiệp 4.0 thì khó mà tạo được sức mạnh tổng hợp, khó đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội những năm tiếp theo.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Phát triển kinh tế xã hội phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Các chỉ tiêu về kinh tế xã hội năm nay tốt hơn những năm trước. Và chúng ta đã tạo được một thời kỳ 3 năm liên tục đạt được kết quả như kỳ vọng và kết quả năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,98%, cho thấy đà tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô ổn định, ổn định được lạm phát. Đóng góp của các doanh nghiệp FDI cũng rất khả quan. Có được kết quả này nhờ có sự quyết tâm, sáng suốt chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự đồng tình ủng hộ trong nội bộ, của đại đa số người dân. Với đà này, tôi hi vọng năm 2019 phát huy những thành quả đạt được của 2018 thì bức tranh kinh tế xã hội sẽ tiếp tục sáng sủa, triển vọng. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hội nhập thì phát triển kinh tế xã hội phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần tiếp tục có những cơ chế thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao năng suât lao đông, nâng cao sức cạnh tranh. /.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy: Nâng cao năng suất lao động để theo kịp xu hướng phát triển của thế giới

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: Cử tri và nhân dân kỳ vọng và mong muốn tại kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ sẽ có một số giải pháp cụ thể hơn, căn cơ hơn, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ một số khó khăn cụ thể. Ví dụ trong nông sản hiện nay giá cả chưa ổn định, làm thế nào để giá cả ổn định và tìm nhiều thị trường để xuất khẩu ra nước ngoài và sản xuất theo chuỗi giá trị. Có như vậy thì mới nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, người dân mới yên tâm trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó rút kinh nghiệm đầu tư chuyên sâu hơn, đi vào chiều sâu chất lượng, nâng cao năng suất lao động để theo kịp với xu hướng phát triển của thế giới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đầu tư trọng điểm, lâu dài để tạo ra sự đột phá

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Chương trình xóa đói giảm nghèo là chương trình trọng tâm cho các vùng miền núi. Đây là một chương trình riêng. Điều này chứng tỏ chúng ta đã chú trọng vào những mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên hiện đời sống của người dân vùng dân tộc miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn, chưa có sự bứt phá. Hạ tầng cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thốn. Bên cạnh đó cũng cho thấy chưa có sự đầu tư trọng điểm, chưa có hướng khai thác các thế mạnh của những vùng miền núi khó khăn. Những hỗ trợ hiện nay vẫn chỉ mang tính chất đầu tư hỗ trợ, đi theo hướng giải quyết các vấn đề bức xúc, những vấn đề khó khăn trước mắt chứ chưa có được các hướng đầu tư trọng điểm lâu dài để tạo ra sự đột phá thay đổi./.

Lê Phương