ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

27/10/2018

Ngày 29/10, bước vào tuần làm việc thứ hai kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ thảo luận về Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu đánh giá qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đã khắc phục cơ bản tình trạng quyết chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện.

Một số đại biểu khẳng định, từ khi Luật Đầu tư công được ban hành đã quy định chặt chẽ hơn từ chọn lựa, phê duyệt và thực hiện dự án. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn dự án đang bố trí không được tập trung, do nhu cầu lớn, chất lượng các công trình, dự án đầu tư công không đảm bảo. Bên lề kỳ họp, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội:

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đầu tư công trong giai đoạn hiện nay nên thực hiện theo hình thức đối tác công tư

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, nhưng muốn phát triển cơ sở hạ tầng thì tư nhân không thể làm được, cần có vai trò của Nhà nước nên vai trò của nhà nước trong đầu tư công rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đầu tư công trong giai đoạn hiện nay nên thực hiện theo hình thức đối tác công tư để có phương thức quản trị chuyên nghiệp tư nhân cùng với nhà nước đầu tư vào các dự án công. Như vậy sẽ hiệu quả hơn trong thực tế. Chính việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trên cơ sở áp dụng phương thức đối tác công tư sẽ giúp giảm chi phí cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Tôi cho rằng, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng không nên chỉ quan niệm là cơ sở “cứng” như giao thông, bến cảng mà còn cơ sở mềm của nền kinh tế, trong đó có hệ thống nền tảng cho kinh tế số để các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện phát triển.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần có cơ chế giám sát các công trình, dự án đầu tư công đảm bảo chất lượng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và 3 năm vừa qua đã có những bước tiến rất mạnh mẽ và GDP hiện nay đã tăng 6,89% điều đó nói rằng GDP tăng trưởng tạo tiền đề cho nền kinh tế sắp tới. Tuy nhiên tôi cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào đầu tư công mang lại hiệu quả và hạn chế được thất thoát; tránh tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư thiếu trọng điểm. Vấn đề này đã được đại biểu chất vấn và nêu ra trong các kỳ họp trước nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế giám sát các công trình, dự án đầu tư công đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng dự án vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng như Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thời gian qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh hiện nay vẫn còn tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả đầu tư công cũng như phát triển kinh tế xã hội năm nay khả quan so với những năm trước, dần khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Điều này cho thấy Chính phủ cũng đã ghi nhận những ý kiến của các kỳ họp Quốc hội trước. Nhiều đại biểu đã phản ánh những hạn chế, thiếu sót trong đầu tư công; đã có những điều chỉnh kịp thời và đạt được kết quả khích lệ trong năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn diễn ra phổ biến. Đây là những vấn đề tôi đề nghị Chính phủ cần lưu ý để đề ra giải pháp giải quyết triệt để hơn. Tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải. Kinh nghiệm được nêu ra là khâu khảo sát, tư vấn thiết kế được thực hiện chính xác. Bên cạnh đó là việc tổ chức đấu thầu thi công lựa những nhà thầu có chất lượng, có tiềm năng về kinh tế, nhà thầu có uy tín đã khiến công trình đảm bảo chất lượng, an toàn./.

Lan Hương - Lê Phương