GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: DƯ LUẬN XÃ HỘI VÀ CÂU CHUYỆN TRỤC LỢI TỪ ĐẤT CÔNG

27/10/2018

Hiến pháp 2013 quy định, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý… Nhưng gần đây, dư luận cả nước xôn xao khi cơ quan chức năng phanh phui hàng loạt vụ việc móc ngoặc giữa một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương với tư nhân thực hiện chuyển nhượng hàng chục lô “đất vàng” có giá trị hàng trăm ngàn tỷ đồng...

Gần đây, dư luận cả nước xôn xao khi cơ quan chức năng phanh phui hàng loạt vụ việc móc ngoặc giữa một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương với tư nhân thực hiện chuyển nhượng hàng chục héc-ta “đất vàng” có giá trị hàng trăm ngàn tỷ đồng, điển hình như vụ Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng, hay vụ chuyển nhượng 32 héc-ta đất tại Tân Kiểng, Nhà Bè thuộc Tp.HCM cho doanh nghiệp tư nhân Quốc Cường... Và mới đây nhất,người dân tại tỉnh Hà Nam lại xôn xao trước việc Công ty Cổ phần Thực phẩm Miền Bắc đã không thực hiện đúng mục đích cam kết hợp đồng thuê đất tự ý cho một số công ty khác thuê lại phần diện tích đất ưu đãi của nhà nước, kê khai số tiền được miễn giảm không đúng quy định…Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không việc cá nhân kinh doanh trên đất công nhằm trục lợi? Có hay không việc lách Luật để thực lợi ích nhóm?

Dư luận chưa hết bàng hoàng trong vụ án Vũ “Nhôm” cùng đồng phạm là hàng loạt cựu cán bộ của thành phố Đà Nẵng gây trấn động xã hộivừa qua khi thực hiệnthao túng thị trường địa ốc Đà Nẵng bằng cáchlập ra các dự án và xin đất của Nhà nước, sau đó bán lại thu lợi khổng lồ.Và cũng từ đây, hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước bị thất thoát bởi bàn tay Vũ Nhôm và bộ phận cựu cán bộ thành phố Đà Nẵng. Rất nhiều khu đất, nhà công sản đã được bán cho Vũ “nhôm” được tập thể lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng thống nhất không qua đấu giá.Hậu quả, Vũ Nhôm đã bị khởi tố và hàng loạt quan chức khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu chuyện về đại gia Vũ Nhôm chưa chấm dứt thì gần đây dư luận tại tỉnh Hà Nam lại xôn xao trướcviệc Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm Miền Bắc tại khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam của Công ty thực phẩm Miền Bắc không thực hiện đúng mục đích của hợp đồng thuê đất. Công ty này đã cho công ty Cổ phần giấy Hoàng Hà Hà Nam và công ty Cổ phần thực phẩm Hữu nghị thuê lại đất và nhà xưởng để kinh doanh không đúng theo quy định của pháp luật.Bên cạnh đó, Công ty Thực phẩm Miền Bắc còn kê khai số tiền được miễn giảm không đúng quy định gồm tiền thuê đất là 2.898.360.000 đồng và 12.226,88 đô la Mỹ , tiền thuế đất phi nông nghiệp là 62.213.100 đồng.

Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Chánh thanh tra tỉnh Hà Nam

Trao đổi với thanh tra liên ngành tỉnh Hà Nam, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Chánh thanh tra tỉnh, cho biết: Chúng tôi khẳng định là chúng tôi đã tham mưu cho công an tỉnh là chính xác hoàn toàn về mặt pháp luật không có vấn đề gì phải làm rõ nữa. Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ, bằng chứng về sai phạm đất đai.

Mặc dù thanh tra liên ngành tỉnh Hà Nam, đã nhiều lần phối hợp với Trưởng ban Khu công nghiệp huyện Duy Tiên 1, tỉnh Hà Nam giải quyết, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty thực phẩm miền Bắc, nhằm thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/6/2018… nhưng theo ghi nhận của nhóm phóng viên, hiện tại các công ty thuê lại đất của Công ty thực phẩm miền Bắc vẫn hoạt động bình thường, vẫn đăng tuyển dụng nhân sự lao động. Cũng theo Thanh tra liên ngành tỉnh Hà Nam, liên quan đến vấn đề này không riêng trách nhiệm của lãnh đạo Trưởng ban khu công nghiệp mà còn là vai trò của Sở tài nguyên môi trường, sở kế hoạch đầu tư và Cục thuế tỉnh Hà Nam. Các cơ quan này cần phải phối hợp chặt chẽ với thanh tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, về vấn đề trên,Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhóm lợi ích trong chuyện này. Bộ trưởng cũng đồng tình với chất vấn của một số đại biểu trong việc quản lý đất đai không chặt chẽ. Trước cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê cho mượn đấy thuộc trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đó. Trong và sau cổ phần hóa, còn có trách nghiệm của ngành TNM, Bộ TNMT và UBND các cấp.Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra nguyên nhân việc cổ phần hóa vừa qua gây thất thoát nguồn lực tài chính là do chưa làm tốt công tác quản lý đất và đang để đất đai ở tình trạng không quản lý. Ngay khi cổ phần hóa thì doanh nghiệp đó đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này vi phạm 2 vấn đề: Một là không đúng tiêu chí hoạt động, chuyển sang kinh doanh thương mại bất động sản đã sai với mục tiêu cổ phần hóa. Hai là quá trình chuyển mục đích lại không qua đấu giá mà áp đặt giá rất thấp không theo thị trường, cơ quan quản lý thẩm định thấy sai vẫn để chuyện đó xảy ra. Sau khi chuyển đổi mục đích giá tăng rất nhiều so với trước cổ phần hóa đây là thất thoát trong việc sử dụng đất công.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội  khóa XIV, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát trong thời gian qua để mang lại niềm tin cho nhân dân.

Phóng viên Cổng thông tin Điện tử quốc hội ghi nhận ý kiến một số đại biểu về vấn đề này:

Phóng viên: Trong các hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp đoàn giám sát đã chỉ ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý và sử dụng đất, xác định giá đất khi giao gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng làm sai mục đích sử dụng đất .Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát đất đai, biến đất công thành đất tư. Đại biểu có đánh giá như thế nào về vấn đề trên ?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Thất thoát đất công là do công tác kiểm tra thanh tra không đến nơi đến chốn dẫn đến lãng phí tài nguyên này

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Chúng tôi cho rằng vấn đề cấp và quản lý sử dụng đất đai là vấn đề hết sức hệ trọng hiện nay, đây chính là vấn đề tiềm ẩn thất thoát rất lớn bởi vì đất và giá trị sử dụng đất đang là miếng mồi béo bở nhất mà những kẻ tham nhũng hiện nay đang tập trung . Nhiều đại gia giầu lên từ đất, nhiều người bỗng dưng giàu lên là do lợi ích nhóm, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Cổ phần hóa doanh nghiệp bản chất rất tốt nhưng chúng ta sơ hở để đất đai rơi vào tay đầu đậu và có những trường hợp chúng ta đã không xem xét thẩm định một cách nghiêm túc, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, khi mà chúng ta giao đất vượt quá giới hạn quy định mà dự án cần thiết hoặc không kiểm soát được. Khi doanh nghiệp tiến hành sử dụng không đúng mục đích ở đây là kém về khâu quản lý, kiểm soát. Công tác kiểm tra thanh tra không đến nơi đến chốn dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên này.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Có nhiều doanh nghiệp lợi dụng sử dụng đất không đúng mục đích. Cho thuê đất hoặc cho đất làm các dịch vụ khác để kiếm lời là không đúng. Tôi thấy cần phải có dà soát tổng thể toàn bộ trên địa bàn cả nước không riêng gì tỉnh nào để xem lại đúng cái giá trị của nó. Tất cả đất đai nếu sử dụng không đúng thì nhà nước phải quy hoạch lại để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai trong kế hoạch phát triển kinh tế đất nước.

Đại biểu Quách Thế Tản, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Quách Thế Tản, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Bất cứ một dự án nào khi nhà đầu tư lập dự án thì đều báo cáo cấp có thẩm quyền về mục đích sử dụng về dự kiến và kết quả mang lại, tức hiệu quả kinh tế và tất cả các điều kiện như phúc lợi cho nhân dân hay tác động môi trường… đều có nói. Thế nhưng các nhà đầu tư không thực hiện đúng cái cam kết ban đầu như vậy là sai. Các cơ quan nhà nước trong quá trình kiểm tra giám sát thực hiện dự án thì phải làm chặt chẽ và tất cả cá khâu bước, trình tự thực hiện dự án thì đều có phần quy định của pháp luật. Trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, các cơ quan giám sát thực hiện công trình thì cũng có những thiếu sót có những cái làm không chặt chẽ.

Phóng viên: Thưa đại biểu giải pháp nào để khắc phục thực trạng trên? Chúng ta sẽ phải thu hồi các khoản thất thoát này như thế nào và xử lý vi phạm của các tổ chức vi phạm đến đâu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyệnVấn đề này đã được nêu ra trong hội nghị phòng chống tham nhũng mà đồng chí Tổng Bí thư đã phát biểu chỉ đạo rất rõ: chúng ta kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong đó từ khâu công tác chính trị tư tưởng công tác tuyên truyền giáo dục, thể hiện sự nêu gương của cán bộ đảng viên và những người lãnh đạo và khẳng định trách nhiệm đứng đầu của cấp ủy chính quyền, từ trung ương đến địa phương từ việc xử lý về mặt đảng về mặt chính quyền về mặt kỷ luật rồi kể cả mặt tư pháp mà chúng ta đề ra đã thực hiện một cách tương đối đồng bộ. Tuy nhiên còn nhiều các vụ việc khác hiện nay cử tri rất quan tâm nhưng chưa được làm sáng tỏ. Một số quan chức vướng vào hoặc có dấu hiệu tham nhũng vẫn chưa được xem xét đến nơi đến chốn cử tri yêu cầu là cần phải được đưa ra ánh sáng cần phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan,  thực hiện không có vùng cấm. Chúng ta đã thực hiện thông điệp này của Tổng Bí thư thì đến bây giờ tiếp tục thực hiện: không chỉ củi khô mà cả củi tươi và các loại sắt thép đều phải cho "vào lò".

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Các doanh nghiệp khi cổ phần hóa đều được xác định giá trị doanh nghiệp và đều được xác định quyền xử dụng đất của doanh nghiệp. Do đó trong giai đoạn hiện nay đề nghị chính phủ nên chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp đến nay sử dụng đất có đúng mục đích hay không. Doanh nghiệp nào sử dụng không đúng mục đích thì thu hồi lại để đưa vào sử dụng đúng mục đích của nó. 

Đại biểu Quách Thế Tản, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Khi phát hiện ra những sai phạm thì phải xử lý, phải thu hồi lại dự án khi đã ban hành mà thực hiện không đúng, hai nữa phải xử lý về mặt pháp luật nếu nặng hoặc xử lý về hành chính đối với cán bộ công chức vi phạm điều đó. Tôi thấy việc này phải xử lý nghiêm để đảm bảo các dự án thực hiện đúng quy định và đảm bảo được hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích người dân. Điều này phải luôn được quán triệt một cách sâu sắc tới các cấp ngành, địa phương. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Ánh Dương - Lê Thương