ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH: CẦN TÍCH HỢP CHÍNH SÁCH DÂN TỘC ĐỂ THU GỌN ĐẦU MỐI

29/10/2018

Để đồng bào dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau đó là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo việc làm, ổn định tinh thần, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc ban hành quá nhiều chính sách lại dẫn đến sự chồng chéo, phân tán, gây khó khăn cho việc triển khai tại các địa phương.

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải Miền trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước; là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, giai đoạn 2016 đến 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến, giai đoạn 2016 đến 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện, có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày  Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng thừa nhận một số hạn chế, bất cập trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, khó có thể lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách Trung ương lại chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện một số chính sách. Do vậy, không đạt được mục tiêu các đề án, chính sách đã được phê duyệt; một số vấn đề di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,... giải quyết chưa hiệu quả; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. 

Không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, tại sao vẫn còn tồn tại nhiều bất cập? Tại sao nhiều chính sách ra đời nhưng không có nguồn lực thực hiện và thời gian tới cần phải có giải pháp gì để chính sách dành cho đồng bào thiểu số và miền núi thực sự có hiệu quả? Về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Phóng viên: Thưa đại biểu, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vậy, qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách đại biểu đánh giá như thế nào về những chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Nhiều năm qua vùng dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất là quan tâm. Nhờ sự quan tâm đó và thông qua các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì bức tranh tổng thể vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi đáng kể; đời sống của người dân từng bước được cải thiện cả về mặt đời sống vật chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, khi so sánh với mặt bằng chung của quốc gia thì vẫn còn thấp. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Vẫn còn khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Điều này xuất phát từ cả vấn đề lịch sử, vấn đề mang tính thực tiễn do các yếu tố tự nhiên, do xuất phát điểm phát triển, do những đặc điểm về tâm lý, văn hóa, phong tục, tập quán ,…

Phóng viên: Từ thực tế này, theo ý kiến của đại biểu đâu là vấn đề cần được quan tâm nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Vùng dân tộc thiểu số có xuất phát điểm và có những yếu tố đặc thù riêng do đó cần phải quan tâm một số vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, cần phải có sự quan tâm sâu sắc hơn đối với các vùng dân tộc thiểu số và miền núi đồng thời cần nhìn nhận một cách thực chất những vấn đề phát triển tại đây để chúng ta định hướng những chính sách phù hợp. Thứ hai, vấn đề về nguồn lực cũng cần được bố trí phù hợp để đảm bảo điều kiện cần thiết thực hiện chính sách. Thứ ba, cần chú trọng công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các bộ ngành có liên quan cũng như sự phối hợp hài hòa giữa trung ương và địa phương.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện tại chúng ta có rất nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng còn dàn tràn, phân tán dẫn đến tính hiệu quả chưa cao. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành tương đối rộng khắp các vùng. Thống kê cho đến nay có tổng cộng 118 chính sách. Tôi cho rằng, con số thống kê 118 chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần rà soát lại cho chính xác. Kết quả phân tích cho thấy, trong số 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực, chỉ có 16 chính sách quy định cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 18 chính sách quy định cho người dân tộc thiểu số, người công tác tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn; 9 chính sách quy định trực tiếp cho người dân tộc thiểu số; còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. 64 chính sách chung áp dụng cho toàn vùng, toàn quốc, thống kê đó là chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ cần rà soát, làm rõ về số lượng chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay trên cơ sở tiêu chí thống nhất về đối tượng, phạm vi, lược bỏ sự trùng lắp, không đồng nhất số lượng văn bản với số lượng chính sách; lược bỏ văn bản quy định chính sách chung nhưng không có đối tượng là vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Bên cạnh đó, việc ban hành một số chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược. Có chính sách manh mún, dàn trải, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho con người, giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh của vùng, chưa có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trước những bất cập trong việc ban hành chính sách thời gian qua thì theo quan điểm của đại biểu cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Hiện nay, hệ thống chính sách dân tộc bao phủ nhiều lĩnh vực và qua thống kê có tới 10 bộ ngành tham gia trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách. Trong quá trình thực hiện vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ cả trong khâu xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo thực hiện chính sách. Vì vậy, việc thực hiện chính sách khó khăn và không hiệu quả cho nên việc tích hợp thành 1 chương trình chính sách đồng bộ là hoàn toàn cần thiết bởi hai lý do sau: Thứ nhất, tích hợp để giải quyết tính manh mún, tính dàn trải của chính sách hiện nay. Thứ hai, là để giải quyết tính đồng bộ trong công tác quản lý bởi chúng ta rất cần có 1 cơ quan mang tính chủ đạo để chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chính sách.

Phóng viên: Một vấn đề quan trọng để thực thi chính sách đó là nguồn lực. Vậy, theo đại biểu thời gian tới cần có giải pháp gì để có thể đảm bảo được nguồn lực thực thi chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Tôi cho rằng nguồn lực là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc bố trí nguồn lực tuy nhiên khi nhìn vào con số thực hiện thì còn nhiều hạn chế. Ví dụ như chính sách để giải quyết vấn đề ổn định dân di cư thì mới đáp ứng được 40% hay là một số chương trình của Ủy ban Dân tộc quản lý mới đáp ứng được 60% yêu cầu. Nguyên nhân chính vì sự thiếu hụt nguồn lực làm cho chính sách của chúng ta thực hiện chưa tới nơi và câu chuyện nguồn lực sẽ là câu chuyện mang tính then chốt trong việc đưa các chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh