ĐBQH TRẦN VĂN MÃO (ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN) GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

26/06/2020

Góp ý vào dự án Luật Thỏa thuận quốc tế tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị xác định rõ thời gian, hiệu lực thi hành của luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An 

Theo đại biểu Trần Văn Mão, dự án Luật Thỏa thuận quốc tế về cơ bản bảo đảm đúng quy định của pháp luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Tờ trình cơ bản đã làm rõ được sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế trên cơ sở tổng kết, thi hành Pháp lệnh năm 2007. Bố cục và nội dung của dự án luật tương đối rõ ràng, thể hiện đúng kỹ thuật lập pháp trong từng chương, mục, điều, khoản, điểm cụ thể của dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo luật vẫn còn một số chương, điều, mục, khoản, điểm của từng điều luật chưa bảo đảm kỹ thuật lập pháp. Đại biểu dẫn chứng, tại Chương I còn bao hàm cả những quy định chung và những quy định về quản lý nhà nước về ký kết thỏa thuận quốc tế hoặc phạm vi điều chỉnh của luật chưa bao quát hết các chủ thể ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự án luật.

Về nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu tách Điều 4 và Điều 5 của Chương I sang Chương VI về nội dung quản lý nhà nước về ký kết thỏa thuận quốc tế và trách nhiệm của cơ quan nhà nước về hoạt động ký kết thỏa thuận quốc tế cho phù hợp, đầy đủ, chính xác, bảo đảm tính logic của dự án luật. Bên cạnh dó, tại Điều 1 dự thảo luật đề nghị bổ sung cụm từ “luật này quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân ký kết thỏa thuận quốc tế, trình tự ký kết thỏa thuận quốc tế” nhằm quy định rõ chủ thể có quyền ký kết thỏa thuận quốc tế là những cơ quan và tổ chức, cá nhân nào cho rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với Chương II quy định cụ thể, mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế.

Tiếp đó, tại khoản 2 Điều 2 giải thích từ ngữ. Đại biểu đề nghị chuyển cụm từ "Quốc hội" lên trước cụm từ “Chính phủ” cho hợp lý với hệ thống cơ quan, tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 còn chưa có sự thống nhất giữa giải thích từ ngữ bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Dự thảo 2 khoản này quy định bên ký kết thỏa thuận quốc tế của Việt Nam không có chủ thể là cá nhân Việt Nam có thẩm quyền. Ngược lại giải thích chủ thể bên ký kết nước ngoài lại quy định cá nhân nước ngoài là chủ thể. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ vấn đề này để bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên trong ký kết thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Đối với quy định tại Chương II, đại biểu đề nghị xem xét quy định rõ chủ thể cá nhân Việt Nam có được ký kết thỏa thuận quốc tế hay không cho phù hợp với khoản 2, khoản 3 Điều 2 như dự thảo đã nêu.

Tại Điều 19, đại biểu đề nghị chuyển khoản 2 thành khoản 1 và ngược lại để bảo đảm thứ tự pháp lý trong tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương là Hội đồng nhân dân rồi mới đến Ủy ban nhân dân các cấp.

Ngoài ra, tại Điều 21 và Điều 23 của dự thảo luật quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục của chính quyền cấp xã ký kết thỏa thuận quốc tế. Đại biểu băn khoăn về tính khả thi trong thực tiễn và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng cả về cơ sở pháp lý cũng như các nguồn lực hiện nay chưa bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế khó đáp ứng được yêu cầu trong quan hệ quốc tế. Đại biểu đặt vấn đề, trong trường hợp cơ quan chuyên môn về công tác đối ngoại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký kết thỏa thuận quốc tế thì làm văn bản xin ý kiến của ai, điều này chưa quy định rõ trong dự thảo luật.

Tại Điều 26 dự thảo luật, đại biểu cho rằng trong khi các cơ quan của chính quyền các cấp có quy định trình tự, thủ tục, nhưng đối với cơ quan, tổ chức cấp tỉnh của tổ chức thì không quy định trình tự, thủ tục. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, thống nhất với các cơ quan khác.

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ thời gian, hiệu lực thi hành của luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Trọng Quỳnh