ĐBQH NGUYỄN VĂN HIỂN: TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ MỘT CẤP TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LÀ HỢP LÝ

26/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác , đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ, so sánh các tiêu chí cơ bản giữa Tp. Đà Nẵng với hai thành phố lớn hơn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại phiên thảo luận. 

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Văn Hiển tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng. Hiện nay, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật có nêu 2 ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Ý kiến thứ nhất là mô hình tổ chức chính quyền đô thị một cấp như Tờ trình của Chính phủ.

Ý kiến thứ hai là mô hình tổ chức chính quyền đô thị hai cấp như thí điểm tại thành phố Hà Nội. Đại biểu cho rằng việc tổ chức chính quyền đô thị một cấp tại thành phố Đà Nẵng là hợp lý. Về lý do như báo cáo thẩm tra đã nêu rõ, đại biểu nhấn mạnh thêm rằng so sánh các tiêu chí cơ bản về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc, năng lực quy hoạch và hạ tầng giao thông giữa thành phố Đà Nẵng với hai thành phố lớn hơn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế.

Cụ thể, về quy mô dân số: Đà Nẵng hiện nay chỉ có 1,1 triệu dân so với Hà Nội và Hồ Chí Minh, lần lượt con số này là 8 triệu và 10 triệu.

Về diện tích tự nhiên: thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên là 1.285 km2, trong khi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 3.329 km2 và 2.062 km2.

Về số lượng đơn vị hành chính trực thuộc: Đà Nẵng chỉ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 56 đơn vị hành chính cấp xã, trong khi Hà Nội là 30 đơn vị hành chính cấp huyện và 579 đơn vị cấp xã. Thành phố Hồ Chí Minh là 24 đơn vị hành chính cấp huyện và 322 đơn vị hành chính cấp xã.

Về năng lực quy hoạch và hạ tầng giao thông: trên thực tế Đà Nẵng về cơ bản tốt hơn so với hai thành phố kể trên. Do vậy, đại biểu cho rằng việc mô hình chính quyền một cấp là hoàn toàn phù hợp. Xét về khía cạnh thành công và tính hiệu quả của mô hình tổ chức này, gọi là thí điểm nhưng thực chất mô hình này đã được thí điểm và triển khai tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2009 đến năm 2016 với quy mô và phạm vi rộng hơn, khi không chỉ không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường tại 6 quận mà cả ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc. Các báo cáo tổng kết về vấn đề này đều chỉ rõ những kết quả rất tích cực, bộ máy thì vận hành thông suốt, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động thì được nâng cao và có sự đồng thuận rất cao của nhân dân Đà Nẵng. Do vậy, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong giai đoạn hiện nay tại Đà Nẵng không mang tính chất là thử nghiệm như các địa phương khác mà thực chất là khẳng định và tiếp tục hoàn thiện mô hình này, trên cơ sở phân cấp hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền, hơn nữa, tạo sự chuyển biến mạnh về năng lực quản lý, điều hành, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương. Với tính chất như vậy, đại biểu đồng ý với phương án tổ chức mô hình một cấp như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét và hoàn thiện thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị rà soát bổ sung thêm về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, nhất là trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với đội ngũ công chức không giữ chức vụ lãnh đạo (theo đại biểu chi tiết này trong nghị quyết không nêu rõ).

Thứ hai, hiện nay Đà Nẵng còn một đơn vị hành chính là huyện Hòa Vang vẫn được tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mặc dù vậy huyện Hòa Vang đã có 5/11 xã đáp ứng tiêu chí của phường, với tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo trong một thời gian ngắn huyện Hòa Vang và các xã thuộc huyện sẽ đáp ứng tiêu chí của chính quyền đô thị. Do vậy, đại biểu cho rằng trong dự thảo Nghị quyết cần tính đến phương án là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép nâng cấp huyện Hòa Vang thành chính quyền đô thị thì việc áp dụng mô hình thí điểm chính quyền một cấp hiện nay mà không cần phải trình Quốc hội xem xét lại là cần thiết.

Thứ ba, về tên gọi của Ủy ban nhân dân cấp quận và cấp phường, hiện nay có 2 ý kiến tranh luận, gọi là Ủy ban nhân dân hay Ủy ban hành chính. Đại biểu cho rằng, với những thay đổi về cơ chế hình thành nên các Ủy ban này là do chính quyền cấp trên bổ nhiệm chứ không phải do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, xét về mặt lôgic gọi là Ủy ban hành chính sẽ phản ánh đúng chức năng và cơ chế hình thành nên các ủy ban này. Tuy nhiên, xét dưới góc độ kinh tế, so sánh giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại, việc đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính sẽ dẫn đến nhiều chi phí phát sinh từ phía Nhà nước và người dân, gây phiền phức và tốn kém không cần thiết, như chi phí liên quan đến việc chuẩn hóa các văn bản hành chính, biển hiệu, con dấu, tên trụ sở, đến xác nhận các giấy tờ của doanh nghiệp và người dân, v.v.. Do vậy, đại biểu cho rằng việc giữ tên Ủy ban nhân dân như hiện nay là phù hợp.

Vấn đề thứ hai là về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Về cơ bản, đại biểu đồng tình với các chính sách đặc thù như Tờ trình của Chính phủ dành cho Đà Nẵng, nhiều chính sách này đã được áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, do vậy việc tiếp tục cho phép áp dụng thí điểm cho Đà Nẵng là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu về cơ chế thí điểm theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền thành phố, về nguyên lý khi trao thẩm quyền nhiều cho chính quyền địa phương, chính quyền cấp dưới thì cơ chế kiểm tra, giám sát của cấp trên cũng phải có những thay đổi tương ứng để bảo đảm cho chính quyền cấp dưới hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phòng ngừa tốt hơn nguy cơ vi phạm pháp luật.

Mặt khác, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng cần có phương án cụ thể trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý lãnh đạo. Theo nguyên tắc, cán bộ được trao thẩm quyền lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn các địa phương khác thì tiêu chuẩn về trình độ, năng lực quản lý, đạo đức công vụ cũng phải có những yêu cầu cao hơn và chặt chẽ hơn. Vấn đề này, theo đại biểu, Đà Nẵng cần nghiên cứu và xây dựng đề án cụ thể về phát triển nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng trong điều kiện mới. 

Nghĩa Đức - Bích Lan