ĐBQH ĐINH DUY VƯỢT THAM GIA Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI TP. ĐÀ NẴNG

26/06/2020

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, ĐBQH Đinh Duy Vượt kỳ vọng nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ thúc đẩy Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế miền Trung - Tây Nguyên.

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Bày tỏ sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, đại biểu Đinh Duy Vượt – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia thêm một số ý kiến về 2 nhóm vấn đề cơ bản trong dự thảo nghị quyết như sau: 

Thứ nhất, những căn cứ và sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết. Đại biểu cho rằng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng là nguyện vọng, là sự lựa chọn của nhân dân và cả hệ thống chính trị Đà Nẵng, phù hợp với dân trí, với xu thế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay.

Thứ hai, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tại thành phố Đà Nẵng, tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại 6 quận và 45 phường, không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân. Tại huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương gồm: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Đại biểu thống nhất với tên gọi Ủy ban nhân dân quận, phường như tờ trình. Theo đại biểu, mô hình chính quyền như dự thảo là phù hợp và khả thi. Bởi lẽ, Đà Nẵng có quy mô về tự nhiên, dân số, đơn vị hành chính nhỏ hơn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mà 2 thành phố này đã và đang tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù. Mặt khác, Đà Nẵng đã làm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện nên đã có kinh nghiệm về mô hình này. Như báo cáo đã đánh giá, mô hình này đã tách bạch giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, phù hợp với tinh thần quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt quy định cơ chế làm việc theo chế độ thủ trưởng nhằm đề cao trách nhiệm, xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời, giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính, phát huy tối đa năng lực, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường. Tuy nhiên, sau khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và phường, đại biểu đề nghị thành phố Đà Nẵng cần quan tâm đến việc sắp xếp công tác tổ chức các chính sách về con người và đặc biệt phải chú trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Hội đồng nhân dân thành phố khi tích hợp 3 trong một, nhất là trong giám sát quyền lực.

Thứ ba, cơ chế chính sách đặc thù về điều chỉnh quy hoạch (Điều 11). Đại biểu nhất trí việc cho phép Đà Nẵng được tiếp tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị để đảm bảo tính kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ, nhất là phát huy lợi thế đất đai, nguồn lực đặc biệt lớn trong giai đoạn này để mời gọi thu hút đầu tư, tăng nguồn lực cho đầu tư và phát triển. Vấn đề đặt ra là việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng đảm bảo nguyên tắc nghiêm ngặt, tuyệt đối không phá vỡ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi về hưu hoặc chuyển công tác nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch của nhiệm kỳ trước gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra. Mục tiêu chính của chính sách này là tạo điều kiện để thành phố chủ động và rút ngắn thời gian điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn đảm bảo có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành trung ương. Chính vì vậy, quy định tại dự thảo là phù hợp, đúng tinh thần đẩy mạnh phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Đà Nẵng.

Về khoản phí, lệ phí và tăng mức lệ phí (Điều 12). Đại biểu đồng ý giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bổ sung là phù hợp nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố như Quốc hội đã quy định trong Nghị quyết số 54 đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm với những cơ chế, chế chính sách đặc thù quy định trong nghị quyết này cùng với cơ chế, chính sách tại Nghị định số 144 của Chính phủ đã thực sự tạo điều kiện đột phá cho Đà Nẵng đúng như tinh thần Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị hay chưa?

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thảo luận qua nhiều phiên họp cho Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và lần này là thành phố Đà Nẵng xem như được tích hợp, mở rộng từ 2 mô hình đã thí điểm. Như vậy sẽ tạo ra các mô hình tiêu biểu tại 3 thành phố lớn trên cả ba miền Bắc - Trung – Nam, cũng chính là tiền đề lan tỏa, mở rộng đến các đô thị khác. Đại biểu bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng khi Quốc hội ban hành nghị quyết này sẽ thúc đẩy Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng hơn nữa, là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế miền Trung - Tây Nguyên có sức thu hút, lan tỏa, đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của cả nước.

Nghĩa Đức - Bích Lan