ĐBQH NGUYỄN HỮU CẦU GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

22/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Quốc hội xem xét lại biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước của người vi phạm.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tạo phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu quan tâm đến việc bổ sung vào khoản 2 Điều 86 về biện pháp cưỡng chế là cắt điện và nước. Theo đó, các biện pháp cưỡng chế đã được quy định ở 03 điều luật trong Luật Xử lý vi phạm hành chính: Điều 86, quy định các biện pháp cưỡng chế hành chính. Điều 119, quy định các biện pháp ngăn chặn và Điều 21, quy định các biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tại 03 điều luật này đã có đến 22 biện pháp để nhà nước áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và đình chỉ các vi phạm. Với hệ thống biện pháp như vậy, việc bổ sung thêm biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chứng tỏ bộ máy công quyền rộng lớn, đào tạo bài bản của chúng ta đang thực thi yếu, không nghiêm.

Bên cạnh đó, nếu đưa biện pháp này vào trong luật thì sẽ dễ bị lạm dụng, bởi vì cắt điện, nước thì rất dễ làm, người có thẩm quyền chỉ ra lệnh cho cơ quan điện, nước cắt là việc đó sẽ được thực hiện, và hậu quả để lại vô cùng lớn. Ví dụ, cắt điện, nước của một trại nuôi lợn vài ngàn con khi họ chưa kịp xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường sẽ khiến họ mất kế sinh nhai, hoặc một nhà máy bia tại khu dân cư gây ô nhiễm nếu ta không tạo điều kiện cho họ từng bước khắc phục mà đột ngột cắt điện thì họ sẽ sớm phá sản. Đại biểu cho rằng việc sử dụng biện pháp cưỡng chế như vậy là không thỏa đáng.

Đại biểu cũng bày tỏ quan điểm rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu nhất của dân. Đại biểu cho biết, trong trại tạm giam phải xây cả bể nước ở trong nhà tập thể cho phạm nhân sử dụng, nếu mất điện, mất nước một ngày thì phạm nhân không chịu nổi. Từ dẫn chứng đó, đại biểu khẳng định không nên sử dụng biện pháp cưỡng chế cắt điện, cắt nước người vi phạm.

Việc sử dụng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước còn liên quan đến hợp đồng dân sự. Đại biểu cho rằng không nên dùng quyền lực hành chính nhà nước để can thiệp vào một hoạt động dân sự của một cuộc sống bình thường của người dân ngoài xã hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội nên xem xét lại biện pháp cưỡng chế này./.

 

Bùi Hùng