ĐBQH NGUYỄN TẠO: CẦN QUAN TÂM PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG GIAO THÔNG CỦA VÙNG TÂY NGUYÊN

22/07/2020

Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm mạnh mẽ và thiết thực hơn đến phát triển hệ thống giao thông của vùng Tây Nguyên.

 

ĐBQH Nguyễn Tạo bày tỏ sự thống nhất cao với những nhận định, đánh giá tình hình, dự kiến kịch bản tăng trưởng và các nhóm nhiệm vụ Giải pháp được nêu trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm mạnh mẽ và thiết thực hơn đến phát triển hệ thống giao thông của vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm một số nội dung trong quá trình triển khai thực hiện như sau:

Một là, với tinh thần là tính mạng và sức khỏe của con người là trên hết. Trước tình hình dịch bệnh trong khu vực và thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị cần phải tiếp tục thực thi các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách phù hợp hơn, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải hết sức thận trọng trong việc cân nhắc mở các đường bay quốc tế trong thời gian tới. Với những thông điệp hết sức hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua, chúng ta tiếp tục phát huy kết quả của trận chiến phòng, chống dịch vừa qua, tranh thủ sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân để củng cố niềm tin xã hội, tạo sự lan tỏa, chuyển tinh thần sang những yêu cầu đổi mới trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Tư duy và thể hiện đúng, trúng, kịp thời các chính sách, biện pháp kinh tế - xã hội cụ thể trong điều kiện bình thường mới ở nước ta trong thời kỳ hậu COVID-19.

Hai là, qua diễn biến thực tế của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế hiện nay, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị cần cân nhắc về khả năng giảm sụt nguồn thu của ngân sách nhà nước trong năm 2020 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cần có sự điều chỉnh thích hợp trong thời gian tới. Trong khi nhà nước vẫn phải bảo đảm cho nhiều mục tiêu khác nhau, vừa bảo đảm cho nguồn lực đầu tư phát triển và triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách khác. Vì vậy, cần phải có những giải pháp hợp lý, kịp thời, hữu hiệu để tăng cường, củng cố nguồn lực nhằm vượt qua những thử thách khó khăn trong năm 2020, tạo cơ sở vật chất vững chắc, chuẩn bị bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu.

Ba là, cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh kịp thời chương trình kế hoạch xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với tình hình diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh. Tránh tình trạng lúng túng, bị động như điều hành xuất khẩu gạo trong đêm khuya, giảm giá thịt heo như trong thời gian vừa qua. Nhanh chóng ổn định và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ổn định thị trường trong nước với hơn 96 triệu người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là lời giải lâu dài cho bài toán giải cứu nông sản lặp đi lặp lại trong thời gian vừa qua.

Bốn là, chính sách về đầu tư liên kết vùng. Theo ĐBQH Nguyễn Tạo, giao thông là huyết mạch của quốc gia nhằm phát huy cao nhất hiệu quả chung của chính sách về đầu tư liên kết vùng. Do đó, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm mạnh mẽ và thiết thực hơn đến phát triển hệ thống giao thông của vùng Tây Nguyên, cử tri đã kiến nghị rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Thực trạng giao thông hiện nay ở đây rất hạn chế và bất cập, không có giao thông đường sắt, không có giao thông đường thủy, nếu có cũng chỉ là đường nội bộ, đò ngang là chính, đường hàng không thì các hãng hàng không chưa được đầu tư xứng tầm có đường bay quốc tế nhưng không có cảng hàng không quốc tế. Giao thông đường bộ kết nối giữa các địa phương qua tuyến quốc lộ, trong đó có đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông đang thực hiện dở dang. Hệ thống giao thông đường ngang còn lại là đường quốc lộ cấp 4 và cấp 5, miền núi như Quốc lộ 14, 19, 26, 27, 28 còn nhiều ách tắc trong khi cả nước đến nay đã có gần 2.000km đường cao tốc, toàn vùng Tây Nguyên chỉ có gần 30 km đường cao tốc được đầu tư cách đây hơn 20 năm, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và địa phương. Còn lại đường cấp 3 miền núi được đếm trên đầu ngón tay, hệ thống giao thông xuống cấp trầm trọng, với nguồn duy tu, bảo dưỡng vô cùng ít ỏi và khó khăn hàng năm. Điều đó cho thấy những bất cập trong phân bổ vốn đầu tư giao thông hiện nay. Cử tri cho rằng, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng giao thông toàn diện sẽ tạo một bước đột phá trong phát triển vùng kinh tế Tây Nguyên, trong tương lai vùng đất này để vươn lên mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn của địa phương liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, chủ động bố trí nguồn vốn thích hợp và đầy đủ, đặc biệt là đối những chương trình, dự án mang tính đột phá, trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, gắn liền với giữ vững trật tự an toàn xã hội, quốc phòng và an ninh. Không để tránh tình trạng phân bổ nguồn vốn địa phương, ngân sách Trung ương, thêm ngân sách lồng ghép của 2 chương trình mục tiêu, đó là xóa đói giảm nghèo và Chương trình Nông thôn mới, hiện nay rất bất cập. Do đó, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị theo tinh thần của Nghị quyết số 88, chúng ta cần đầu tư đúng và đủ./.

Trọng Quỳnh