Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ sự thống nhất cao theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu nêu rõ, về sự cần thiết, Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác trong giai đoạn nền kinh tế đứng trước nguy cơ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Sự hỗ trợ này là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và các đơn vị kinh tế nhỏ khác, phù hợp với các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017.
Về tên gọi của nghị quyết, đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với tên gọi của nghị quyết được nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách số 2018 ngày 9/6/2020 với tên gọi là giảm thuế thu nhập phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có quy mô nhỏ. Theo đại biểu Nguyễn Tạo, tên gọi này dễ hiểu hơn, khái quát hóa được nội dung tinh thần của nghị quyết.
Về giảm thuế thu nhập tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết, đại biểu nêu rõ theo Tờ trình của Chính phủ, với giảm tỷ lệ phần trăm số thuế phải nộp là 30% và áp dụng cho doanh nghiệp có điều kiện cần và đủ đáp ứng 2 tiêu chí là doanh thu dưới 50 tỷ đồng và sử dụng lao động dưới 100 lao động, là đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo nội dung nghị quyết. Đại biểu cho rằng, việc áp dụng như đã nêu trên sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung "cá mè một lứa" không công bằng đối với tình hình thực tế khác nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cần thiết phải đánh giá và thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ sản xuất kinh doanh, về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch bệnh COVID gây ra. Trên cơ sở đó xác định đối tượng được thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi doanh nghiệp tiếp cận với chính sách giảm thuế này.
Về đối tượng đã được xác định rõ ở Điều 1 của dự thảo Nghị quyết là căn cứ theo Tờ trình của Chính phủ đã dẫn chiếu cụ thể là áp dụng cụ thể hóa một phần nội dung hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế khi gặp khó khăn, bất khả kháng được quy định rõ tại Điều 10 và Điều 16 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Điều 10 quy định về hỗ trợ thuế và kế toán và Điều 11 hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, áp dụng theo luật. Đại biểu bày tỏ thống nhất với đề nghị của Chính phủ là sẽ áp dụng cho đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ, về tiêu chí thế nào là doanh nghiệp nhỏ đã được pháp luật quy định.
Mặt khác với điều kiện phải có thiệt hại thực tế xảy ra do dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp, từ đó loại trừ được những doanh nghiệp nhỏ hoạt động kinh doanh thua lỗ thời gian trước khi công bố dịch COVID-19 nhằm xác định được đơn vị thụ hưởng rõ ràng, chính xác, dễ dàng và triển khai thực hiện bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tiêu cực phát sinh. Đại biểu dẫn ví dụ: xác định mốc thời gian diễn biến dịch bệnh cũng ít kể từ ngày mùng 1/3/2020 đến hết quý 2/2020 theo báo cáo từ kê khai tài chính của doanh nghiệp nhỏ là như vậy. Vừa phân tích rõ quy định quy mô của doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị kinh tế khác có quy mô nhỏ, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến thua lỗ do phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gây ra là phù hợp với việc cân đối nguồn thu ngân sách năm 2020 và bảo đảm tính công bằng và mang tính khả thi cao trong thực tiễn ta.
Đối với hệ thống doanh nghiệp nói chung, theo thống kê hơn có 85.000 doanh nghiệp cả nước chịu sự ảnh hưởng khó khăn trong dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị Chính phủ nên đề ra cơ chế, chính sách và giải pháp tổng thể chung cho cả nền kinh tế ổn định và phát triển hậu COVID-19 trước mắt trong năm 2020 và năm kế tiếp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc chính sách chung của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ cho doanh nghiệp từng bước giải quyết khó khăn trước mắt, củng cố sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn, tạo cơ sở tiền đề vững chắc bứt phá vươn lên trong những năm kế tiếp./.