ĐBQH MAI HỒNG HẢI: CÂN NHẮC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

22/07/2020

Thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác tại Kỳ họp thứ 9, đại biểu Mai Hồng Hải – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đề nghị cân nhắc ban hành một chính sách chung cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Hồng Hải bày tỏ đồng tình với chủ trương của Chính phủ trong việc tìm ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và hoàn toàn đồng ý với tinh thần, tư tưởng của Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác của Quốc hội.

Đại biểu Mai Hồng Hải - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu phân tích thêm, hiện nay thì theo sách Trắng doanh nghiệp của Việt Nam 2020 tính đến đầu năm chúng ta có 758.610 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có lãi chỉ có 269.169 doanh nghiệp, bằng 35,48%. Với tình hình kinh tế như thế này thì khả năng năm 2020 tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận có thể sẽ thấp hơn.

Tinh thần của nghị quyết này, toàn bộ dự thảo nghị quyết không có chỗ nào nói đến doanh nghiệp vừa và nhỏ và có 3 đối tượng gồm: một là doanh nghiệp, nếu thỏa mãn được điều kiện là doanh thu nhỏ hơn 50 tỷ và lao động nhỏ hơn 100; hai là hợp tác xã, đây cũng là một đối tượng hết sức quan trọng; ba là các tổ chức kinh tế khác có lợi nhuận mà không phải là tổ chức nước ngoài. Đây là một nghị quyết bao trùm rất rộng đối với các tổ chức kinh tế. Với tiêu chí này rơi vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở đây trong giải trình của Chính phủ đã nêu rất rõ lý do lại chọn 2 tiêu chú ý là doanh thu với số lượng lao động mà không bàn đến vốn như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 39/ 2018. Như các đại biểu phân tích, vô hình chung Nghị quyết này được ban hành sẽ có câu chuyện cùng là doanh nghiệp nhưng chỉ có lợi nhuận thì mới được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết này, không có lợi nhuận thì không được hưởng. Cùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có doanh nghiệp thì được, có doanh nghiệp không được.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về chi phí để thực hiện Nghị quyết này sẽ có vướng mắc là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 nhưng theo luật thì phải đến 31/ 3/2021 mới quyết toán được chính xác doanh nghiệp đó có lợi nhuận đến đâu. Như vậy, hiện giờ hàng quý, các doanh nghiệp phải tạm kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp và tự kê khai giảm 30% này nhưng đến 31/3 sang năm mà doanh nghiệp đó có lợi nhuận nhưng lúc đó mới xét đến doanh thu thì lại không đạt được tiêu chí về doanh thu. Đại biểu đặt vấn đề, khi đó xử lý việc chậm nộp trong năm 2020 như thế nào, có phải vi phạm việc chậm nộp không. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề vướng.

Đại biểu cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết này sẽ phải đi làm một bộ hồ sơ để xác nhận từng doanh nghiệp một có đạt được tiêu chí của Nghị quyết này không, khi đó sẽ phát sinh ra chi phí thực hiện chính sách. Đây là điều không cần thiết. Đại biểu cho rằng nên coi như Chính phủ có được một gói hỗ trợ từ 18.500 đến 22.400 tỷ cho đối tượng là doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thì có thể xem xét và cân nhắc ban hành một chính sách chung cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo đúng nghị quyết theo đúng Nghị định 39 thay vì giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, nếu chọn các doanh nghiệp theo đúng Nghị định 39 thì sẽ không cần phải một chi phí nào về việc tập hợp các điều kiện doanh nghiệp phải được thỏa mãn khi quyết toán và thực hiện chính sách này. Xử lý théo hướng đó chính sách cũng rất thuận lợi, bao trùm được rộng hơn mà thực hiện và quyết toán ngân sách cũng dễ và ngân sách của nhà nước không bị mất đi, chỉ là chậm nộp cho đến năm 2021./.

Bảo Yến